Chuyên đề 15  

Học sinh với lối sống khỏe mạnh, tích cực


 Mục tiêu
bài học:


 Sau bài học này, học sinh sẽ: 

  • Biết cách thực hiện lối sống khỏe mạnh, tích cực; Hạn chế những thói quen không có lợi cho sức khỏe.

  • Tham gia tuyên truyền vận động cho bạn bè, người thân cùng thực hiện lối sống khỏe mạnh, tích cực.


1. Thực hiện dinh dưỡng hợp lý

Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe, vì thế, các em cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: Đủ và cân đối về năng lượng; Đủ nhu cầu và cân đối các chất dinh dưỡng; Đa dạng các loại thực phẩm; Hợp khẩu vị, tiết kiệm, tình cảm; Phân chia thời gian và năng lượng hợp lý cho các bữa ăn; Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (các em xem thêm bài ”Dinh dưỡng hợp lý cho học sinh tiểu học” nhé);

2.  Hãy vận động tích cực, hạn chế lối sống tĩnh tại


Thường xuyên vận động sẽ giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh

Dinh dưỡng hợp lý không thể tách rời với lối sống năng động tích cực. Tăng cường và duy trì các hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi, sẽ giúp cho hệ cơ, xương, khớp phát triển cân đối, trí não phát triển tốt hơn, làm cho chúng ta phát triển cân đối cả về thể lực, tầm vóc, trí tuệ (các em xem thêm bài ” Vai trò của vận động. Hướng dẫn sử dụng tháp vận động” nhé).

3.  Giữ gìn vệ sinh cá  nhân; Vệ sinh môi trường tốt.




Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch 

  • Rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là ở các thời điểm trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vui chơi, hoặc làm việc ở ngoài về. Thường xuyên tắm rửa, giữ gìn vệ sinh thân thể. Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt.

  • Sử dụng nhà vệ sinh đúng cách, sạch sẽ, ngăn nắp.

  • Không vứt rác bừa bãi.

  • Chỉ sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt.

4. Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn; đồ rán; đồ uống ngọt có ga; thức ăn có nhiều đường ngọt; Không ăn quà vặt mất vệ sinh ở các hàng quán bán rong; Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.


Thói quen ăn uống không lành mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu các em sử dụng quá mức các loại thức ăn chế biến sẵn; đồ rán; đồ uống ngọt có ga; thức ăn có nhiều đường ngọt... sẽ làm cho cơ thể chúng ta phát triển không cân đối, dễ mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm.

Các em hãy xem thêm bài "Cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe".

5.  Uống đủ nước sạch hàng ngày


Nước rất cần cho cơ thể để duy trì các hoạt động sống, trao đổi chất, lưu lượng tuần hoàn, bảo đảm chức năng lọc của thận... vì thế các bạn phải chú ý uống đủ nước sạch hàng ngày.


Vai trò của nước

  • Là một trong những thành phần cơ bản của sự sống, ở trẻ em lượng nước chiếm 2/3 trọng lượng cơ thể.

  • Nước là thành phần quan trọng của các tế bào. Trong cơ thể tất cả các phản ứng hóa học thực hiện các chức năng sống của cơ thể đều xảy ra trong môi trường nước.

  • Nước có tác dụng bôi trơn, đặc biệt là nơi tiếp xúc các đầu mối, bao hoạt dịch, màng phổi, màng tim, cơ hoành và miệng.

  • Nước có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ của cơ thể.


Một ngày các em cần uống bao nhiêu nước?

  • Hàng ngày cơ thể các em cần cung cấp khoảng 2500 ml nước, trong đó lượng nước được cung cấp từ quá trình chuyển hóa trong cơ thể là 350 – 400ml, lượng nước từ thức ăn chiếm khoảng 30%, phần còn lại là lượng nước uống, trung bình khoảng 1300 – 1500ml/ ngày.

  • Nhu cầu nước uống tùy theo cân nặng, tuổi và hoạt động thể lực của trẻ. Trẻ 6 – 11 tuổi cần uống trung bình từ 1300ml – 1500ml nước tương đương với 6 – 8 ly nước mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh và chuyển hóa tốt.


Các loại nước nên dùng

  • Nước uống tốt nhất là nước sạch (đã được lọc và tiệt khuẩn) hoặc nước chín (đun sôi để nguội).

  • Nước trái cây, sữa (nên sử dụng sữa không đường), nước rau luộc.

  • Các loại nước các em nên hạn chế sử dụng: đó là các loại nước có gas, nước ngọt, các loại đồ uống có nhiều đường vì các loại nước này có nhiều đường, giàu năng lượng, nghèo dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em. Ngoài ra, các em không nên uống nước ngọt trước bữa ăn nhé vì như vậy sẽ làm cho các em chán ăn do lượng đường cao được hấp thu vào máu gây cảm giác no giả tạo, cũng không nên uống nước ngọt trước khi đi ngủ, vì sẽ làm cho các em bị kích thích, ngủ không ngon giấc và làm tăng nguy cơ sâu răng đấy.

6.  Duy trì giờ giấc sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi hợp lý


Đi ngủ đúng giờ, không thức quá khuya, đi ngủ trước 10 giờ đêm, tránh thức khuya xem phim, chơi vi tính. Lao động vừa sức, an toàn. Có kế hoạch học tập khoa học, không phải cứ đến mùa thi là học quên cả ăn và ngủ, làm cho cơ thể mệt mỏi, dễ ốm đau, thậm chí phải nghỉ học để điều trị bệnh.