Phòng chống thừa cân, béo phì cho học sinh tiểu học
Mục tiêu bài học:
Sau bài học, học sinh nắm được
- Thế nào là Thừa cân? Béo phì?
- Cách sử dụng phần mềm trên trang web “Giáo dục dinh dưỡng học đường” để tự tính chỉ số Khối cơ thể (BMI), qua đó đánh giá tình trạng dinh dưỡng của mình và cho bạn bè.
- Học sinh biết các nguyên nhân và hậu quả của thừa cân, béo phì và các biện pháp phòng chống.
|
Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa thừa cân, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân gây nguy hại tới sức khỏe.
Trong cơ thể chúng ta luôn có một lượng mỡ nhất định và lượng mỡ này cần thiết để dự trữ năng lượng, giữ nhiệt, là mô đệm hấp thụ những chấn động, và có vai trò trong một số các chức năng khác.
Nhìn chung, bệnh thừa cân và béo phì thể hiện trọng lượng cơ thể cao hơn trọng lượng chuẩn ở một người khỏe mạnh, do sự dư thừa quá mức của lượng mỡ trong cơ thể.
Thừa cân, béo phì được phân loại bằng cách sử dụng chỉ số khối cơ thể BMI.
Chỉ số khối cơ thể BMI được tính dựa trên chiều cao và trọng lượng cơ thể, theo công thức sau: trọng lượng cơ thể của 1 người (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Do chỉ số BMI mô tả trọng lượng cơ thể trong tương quan với chiều cao nên sẽ liên quan chặt chẽ đến tổng số lượng mỡ trong cơ thể:
Khi đã tính được chỉ số BMI rồi, ta so sánh với bảng phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, ta sẽ biết được tình trạng dinh dưỡng cụ thể ở thời điểm hiện tại. Ở người lớn thì bảng này không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nhưng ở trẻ em lứa tuổi học đường thì bảng này phân biệt cả giới tính, lứa tuổi… nên bạn phải có đầy đủ thông tin về: ngày sinh; ngày cân đo; giới; cân nặng; chiều cao thì mới đánh giá được tình trạng dinh dưỡng, cụ thể là sẽ biết được bạn có bị thừa cân, hay béo phì không.
Ví dụ: Bạn Hoa (nữ), sinh ngày 10/8/2010. Bạn cân và đo ngày 14/11/2018. Cân nặng là: 25,8kg; Chiều cao là 125,2 cm (đổi ra mét là 1,252 mét). Áp dụng công thức trên ta tính ra được BMI của bạn Hoa là 16,4. Sau đó tra bảng xem BMI=16,4 ở bạn nữ, 8 tuổi 3 tháng nằm ở cột nào? Từ đó biết được tình trạng dinh dưỡng của Bạn Hoa.
2. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của các bạn học sinh bằng chỉ số BMI
Dựa vào phần mềm “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng” trên trang web Giáo dục dinh dưỡng học đường, các bạn có thể tự tính chỉ số BMI của mình. Các bạn hãy xem trường hợp sau đây nhé:
Trường hợp 1: Bạn Hoa (nữ), sinh ngày 10/8/2010. Được cân và đo ngày 14/11/2018. Cân nặng là: 25,8kg; Chiều cao là 125,2 cm. Em nhập kết quả cân/đo ở trên vào phần mềm “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng” trên trang web Giáo dục dinh dưỡng học đường, kết quả cho biết bạn Hoa có tình trạng dinh dưỡng bình thường (không bị suy dinh dưỡng, không bị thừa cân, béo phì:
Trường hợp 2: Bạn Thu (nữ), sinh ngày 10/8/2010. Được cân và đo ngày 14/11/2018. Tuy cùng tuổi với bạn Hoa, nhưng gần đây do bạn ấy không duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của bạn ấy hiện tại là 31,5kg, chiều cao của bạn ấy vẫn là 125,2 cm; nhập số liệu trên vào phần mềm cho ta biết: Bạn Thu đã bị thừa cân.
3. Nguyên nhân của thừa cân, béo phì
Nguyên nhân của béo phì có thể có nhiều, nhưng chủ yếu là do chế độ ăn uống và hoạt động thể lực không phù hợp. Sự mất cân đối giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao sẽ làm ảnh hưởng đến cân nặng của bạn.
Năng lượng ăn vào = Năng lượng tiêu hao
Nếu năng lượng ăn vào đầy đủ so với nhu cầu theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý, hoạt động thể lực phù hợp… thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, phát triển bình thường
Năng lượng ăn vào > Năng lượng tiêu hao
Hậu quả là Thừa cân, béo phì
Năng lượng ăn vào < Năng lượng tiêu hao
Hậu quả là gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển
Vì thế, nếu các bạn ăn nhiều chất béo, nhiều đường (là những chất cung cấp nhiều năng lượng), trong khi đó, bạn lại lười vận động thì bạn sẽ bị tăng cân quá mức và dẫn đến bị thừa cân, nếu tiếp tục tăng cân không được kiểm soát, bạn sẽ bị béo phì.
4. Hậu quả của Thừa cân, Béo phì
Hậu quả của thừa cân, béo phì đối với sức khỏe là rất lớn, cả trước mắt và về lâu dài sau này. Một bạn học sinh mà bị thừa cân, béo phì thường hay có mặc cảm về hình thức của mình. Hơn nữa, cân nặng nhiều hơn mức bình thường cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể chất: bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tiểu đường; ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp; giảm hiệu suất lao động, học tập.
Vì thế, điều chỉnh chế độ ăn uống và hoạt động thể lực phù hợp là hết sức cần thiết, giúp cho bạn phát triển thể lực tốt hơn, phòng tránh các bệnh mạn tính sau này.
5. Phòng chống thừa cân, béo phì
Nên duy trì lối sống năng động, ăn uống hợp lý, đa dạng thực phẩm, hạn chế ăn quá nhiều thức ăn có chứa nhiều chất béo, chất ngọt.Khi đã có nguy cơ thừa cân, béo phì, càng phải chú ý đến dinh dưỡng hợp lý và lối sống năng động, lành mạnh hơn.
Ở tuổi học sinh, do cơ thể bạn vẫn đang phát triển, vẫn cần năng lượng và các chất dinh dưỡng để xây đắp cơ thể, nên mục tiêu điều trị thừa cân, béo phì ở các em là ngoài việc tập trung vào ngăn ngừa tăng cân bằng chế độ ăn uống hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, còn cần phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để bảo đảm cho sự lớn lên và phát triển, đặc biệt là cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, kẽm ...một số lời khuyên cụ thể cho những người đã thừa cân, béo phì như sau:
- Nên ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm. Nên ăn nhiều rau xanh và quả chín ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.
- Nếu uống sữa nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.
- Không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem.
- Không nên dự trữ sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolate, kem, nước ngọt trong nhà
- Chế biến thức ăn: Hạn chế các món rán, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho.
- Nên nhai kỹ và ăn chậm. Ăn đều đặn, đúng giờ, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói sẽ , trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn.
- Nên ăn nhiều vào bữa sáng để tránh ăn vặt ở trường, tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (vì thường nhiều chất béo độc hại), giảm ăn về chiều và tối.
- Tăng cường các hoạt động thể lực. Bên cạnh điều trị bằng chế độ ăn, việc tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp tiêu hao năng lượng, phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.
- Thường xuyên kiểm tra cân nặng và chiều cao để biết được tình trạng dinh dưỡng của mình.