Chuyên đề 10  

                                                                       Bài giảng tham khảo (Slide trình chiếu)

Cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe


 Mục tiêu bài học:


 Sau bài học, học sinh có thể:

  • Thế nào là thực phẩm an toàn; thực phẩm có lợi cho sức khỏe

  • Biết cách sử dụng và lựa chọn thực phẩm an toàn

1. Thế nào là thực phẩm an toàn

Thực phẩm an toàn là loại thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp, thiết yếu mà không gây hại, cả về trước mắt cũng như lâu dài, đối với sức khỏe của người sử dụng.

Nói cụ thể hơn, thực phẩm được gọi là an toàn khi bảo đảm các tiêu chuẩn: Không chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép; không chứa tạp chất (kim loại, thuỷ tinh, vật cứng …); không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng, các độc tố tự nhiên hay nhân tạo), và phải có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng; được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Thực phẩm có lợi cho sức khỏe: không chỉ là thực phẩm an toàn, mà nó còn có tác dụng góp phần hạn chế các yếu tố gây bệnh, do đó làm tăng cường sức khỏe cho người sử dụng. Ví dụ:

Rau ngót có nhiều vitamin A và chất sắt, góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng;

Thực phẩm nguyên hạt rất tốt cho sức khỏe vì có chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, và nhiều chất xơ, ít chất béo (thực phẩm nguyên hạt là những loại hạt ngũ cốc, như lúa gạo, lúa mì sau khi được chà xát lấy đi lớp vỏ trấu bên ngoài, hạt vẫn còn giữ màng cám, mầm, và phần chính của hạt gọi là phôi nhũ, chính vì thế các thực phẩm nguyên hạt có chứa nhiều vitamin nhóm B; E; chất xơ…có lợi cho sức khỏe).

2. Cách lựa chọn thực phẩm

Trước hết chúng ta phải ưu tiên mua thực phẩm ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc, thông tin rõ ràng. Việc lựa chọn thực phẩm phải chú ý tới tính tươi, ngon (thực phẩm tươi sống), đủ thành phần dinh dưỡng (thực phẩm qua chế biến), bên cạnh đó là tính an toàn, không nhiễm hóa chất, ít chất bảo quản độc hại. Có nhiều nhóm thực phẩm được tiêu thụ hàng ngày, tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm sẽ có những cách lựa chọn phù hợp.

Nhóm ngũ cốc nguyên hạt

Nhóm ngũ cốc nguyên hạt là các loại như gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, đậu đen và nhóm hạt cung cấp chất béo như lạc, vừng… 

  • Nên chọn: Các loại hạt khô, không bị ẩm mốc, không bị mọc mầm, các hạt đều nhau, không có các loại mọt, sạn, hay tạp chất khác; màu sắc tự nhiên không bị biến đổi; nếu cắn thử thấy hạt giòn, không vỡ vụn; ngửi mùi thì vẫn có mùi thơm đặc trưng của loại hạt đó mà không có các mùi lạ.

  • Không nên chọn: Hạt ẩm, mốc, hỏng, có mùi vị, màu sắc lạ, lẫn tạp chất, vỏ nhăn nheo, không sáng bóng. Có thể có các loại mối, mọt…Hoặc được nhuộm màu lòe loẹt, mất đi màu sắc tự nhiên vốn có của hạt.

Thịt lợn (thịt heo)


  • Nên chọn: Thịt tươi có lớp màng khô, có màu đỏ tươi, bề mặt hơi se lại. Mặt cắt miếng thịt có màu hồng sáng, da trắng hồng, mềm mại. Phần mỡ có màu sáng, chắc, có mùi thơm đặc trưng. Bề mặt thịt và mỡ không có các đám xuất huyết tụ lại, không có các nốt sần. Phần khớp xương láng và trong. Tủy xương bám chặt vào thành ống và trong suốt. Lấy ngón tay ấn vào thịt rồi buông ra thì thấy không để lại dấu tay, thớ thịt đàn hồi nhanh và có màu đỏ hồng.

  • Không nên chọn: Thịt ôi có màu sắc nhợt nhạt, sờ vào miếng thịt thấy nhớt (nhớt ít hoặc nhiều tùy mức độ ôi). Phần mỡ tối màu, có dấu hiệu bở hoặc vữa ra; khớp xương có nhiều nhớt, xuất hiện dịch đục; phần tủy bị tróc ra khỏi thành ống hoặc có dấu hiệu tróc ra, màu sắc tối hoặc nâu, có mùi ôi thiu ở các mức độ khác nhau. Lấy ngón tay ấn vào thịt rồi buông ra thì thấy để lại dấu tay, thớ thịt kém đàn hồi, nhợt nhạt, có thể có nước chảy ra.

Thịt gà và các loại gia cầm khác

  • Nên chọn: Con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, hai cánh ép sát mình, lông trơn mượt, mắt có thần. Khi mua gà, vịt đã làm lông, cắt tiết, phải chọn con nào da còn trơn nhờn, thịt không có mùi khác lạ, mặt ngoài của thịt hơi khô ráo, không có cảm giác dính, dùng ngón tay đè mạnh xuống mà thịt lập tức đàn hồi trở lại.

  • Không nên chọn: Gà có mào màu biến sắc thành thâm đen, hai cánh rủ xuôi, lông xù, lông quanh hậu môn có dính phân màu lục, diều tích thức ăn cứng lại là gà bệnh. Vịt bệnh thì quan sát thấy dáng ủ rũ, hay vẩy mỏ, xách lên thấy chảy nước dãi, sờ vào diều thấy căng như bong bóng.


Gà/vịt bị bơm nước: gà/vịt có thể bị bơm nước hay nhồi diều để tăng trọng lượng khi bán, chúng ta nên quan sát hai bên đùi và lườn con gà, vịt, nếu thấy căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua. Dốc ngược con gà lên, nếu thấy nó biến dạng thì con đó đã bị bơm nước. Người bán thường chọn hai vị trí đùi và lườn để bơm nước. Bạn cũng có thể dùng tay ấn vào phần thịt, có cảm giác trơn ở bên trong; thịt bị bơm nước thường bập bùng, nhão. Kiểm tra ở phần dưới cánh gà xem có bị tiêm nước hay không, nếu phát hiện thấy ở dưới cánh gà có dấu kim tiêm màu đỏ, chứng tỏ gà đã bị tiêm nước để làm tăng trọng lượng.

Cá, hải sản

  • Nên chọn: Những con cá có mắt sáng nhanh, chạm vào là bơi ngay, quẫy mạnh không lù đù. Cá còn tươi thì vảy cá phải xếp đều, trắng, không bong tróc, không có các dấu hiệu bất thường. Mang cá khép chặt nếu lấy tay nâng mang cá lên xem sẽ thấy mang cá màu hồng tươi mà không phải màu tía, mắt cá to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài. Chất nhờn trên thân cá phải trong, nhớt và không có mùi lạ. Đối với hải sản nên mua khi chúng còn sống.

  • Không nên chọn: Cá, hải sản không còn tươi sống. Thả vào nước không quẫy, đạp, nổi bụng lên trên.Thân cá có các vết trợt, bụng trương, hậu môn lồi ra, chảy nước. Mang cá nhợt nhạt, mình cá ươn nhũn, chảy nước. Thậm chí thịt không dính vào xương. 


Rau, củ, quả


  • Nên chọn: Rau, quả tươi khi quan sát thấy còn nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu khác lạ trên bề mặt. Màu sắc tự nhiên đặc trưng của từng loại rau, củ, quả. Không có mùi lạ. Thận trọng với những loại rau, củ, quả có hình dáng, màu sắc bất thường (ví dụ kích thước quá to, chín quá vàng, quá đẹp, bắt mắt, lá quá xanh to bất thường…) vì có thể bị sử dụng chất kích thích độc hại. Cách bảo quản rau tốt nhất là để ở ngăn tủ mát. Rau nên nhặt sạch, bỏ lá giập, để ráo và cho vào túi nylon để vào ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong ngày.

  • Không nên chọn: Rau, củ, quả bị héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như quá mập, quá phồng hoặc có màu sắc khác lạ, bất thường. Tránh mua rau có rễ bám nhiều đất vì đó là nguồn vi sinh vật gây hư hỏng nhanh rau quả. Thận trọng với những loại rau, củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc có tiền lệ bị ướp tẩm hóa chất bảo quản độc hại.

Thực phẩm chế biến sẵn

  • Nên chọn: Loại thực phẩm có địa chỉ xuất xứ rõ ràng; còn thời hạn sử dụng, không bị phồng, méo (đồ hộp), không sử dụng các phẩm màu độc hại, được bao gói an toàn. Đọc kỹ thông tin về thành phần và thông tin dinh dưỡng in trên vỏ hộp hoặc bao gói trước khi quyết định mua.

  • Không nên chọn: Thực phẩm đã hết hạn sử dụng; hoặc còn hạn nhưng bị phồng, méo, biến dạng. Thiếu thông tin về về nguồn gốc xuất xứ, về thành phần chế biến và thông tin dinh dưỡng). Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường, muối, hoặc chứa chất béo thể trans (là một dạng chất béo gây nguy hại cho sức khỏe thường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như: bim bim, bánh ngọt, bánh nướng và các thực phẩm nướng khác, thức ăn nhanh, mì ăn liền, đồ chiên ăn sẵn, khoai tây chiên…có thể chứa loại béo nguy hiểm này.). vì chất béo thể trans này độc hại nên người ta còn quy định trên nhãn mác thực phẩm chế biến sẵn phải ghi rõ hàm lượng “trans fat”, nên tránh sử dụng loại thực phẩm có chứa chất béo thể trans này.


Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình, chúng ta cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, hãy học hỏi, trao đổi, chia sẻ thêm với người thân, bạn bè về những kinh nghiệm phân biệt thực phẩm an toàn khi đi chợ, hãy là những người tiêu dùng thông thái bạn nhé.

Bài tập thực hành: Thảo luận nhóm về các cách lựa chọn cho một số loại thực phẩm cụ thể ở địa phương của bạn.



Có địa chỉ xuất xứ rõ ràng; còn thời hạn sử dụng, không bị phồng, méo (đồ hộp), không sử dụng các phẩm mầu độc hại, được bao gói an toàn. Đọc kỹ thông tin về thành phần và thông tin dinh dưỡng in trên vỏ hộp hoặc bao gói trước khi quyết định mua.