Chuyên đề 09  

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm 



 Mục tiêu bài học:


 Sau bài học, học sinh nắm được:

  • Vai trò và tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) 

  • Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm 

  • Nguyên nhân gây nên mất VSATTP 

  • Biết các thực hành ĐÚNG nên làm cũng như biết được các thực hành SAI cần tránh để bảo đảm VSATTP 

1. Vai trò quan trọng của bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng cần thiết để con người sống và phát triển. Thế nhưng thực phẩm cũng là nguồn truyền bệnh nguy hiểm, nếu như không bảo đảm được vệ sinh và an toàn, vì thế người ta thường nói “Bệnh từ miệng vào”.

Khi không bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm, thức ăn không những không giữ được giá trị các chất dinh dưỡng như ban đầu, mà còn là nguồn gây bệnh độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người.


2. Các biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra do ăn, uống thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp: Tiêu chảy; Nôn; Đau bụng.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, sốt, đau đầu, đau cơ và khớp xương. Các triệu chứng này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ngộ độc. Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay hoặc sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày sau khi ăn.


Thực phẩm kém vệ sinh an toàn không chỉ gây nên ngộ độc cấp tính một cách ồ ạt dễ nhận thấy như trên mà còn phải kể đến các bệnh mạn tính gây suy kiệt sức khỏe do nhiễm và tích lũy các chất độc hại như chì, thủy ngân, asen, thuốc bảo vệ động thực vật, phẩm màu độc với lượng nhỏ nhưng kéo dài thời gian sử dụng, đặc biệt là các độc tố vi nấm như aflatoxin trong ngô, đậu, lạc mốc... có thể gây ung thư gan. 

3. Một số nguyên nhân thường gây ô nhiễm thực phẩm.

Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm:

Ô nhiễm bởi vi sinh vật. Vi sinh vật ô nhiễm vào thực phẩm bằng nhiều con đường. 

  • Thực phẩm từ động vật có bệnh hoặc thủy sản sống ở nguồn nước bị nhiễm bẩn và độc hại; các loại rau, củ, quả bị tưới, bón phân tươi. 

  • Để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp hoặc gần nơi ô nhiễm; 

  • Để thức ăn qua đêm hoặc quá 2 giờ ở nhiệt độ thường, không che đậy thức ăn để bụi bẩn, các loại côn trùng gặm nhấm, ruồi nhặng và các động vật khác tiếp xúc gây ô nhiễm; 

  • Không rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm, thức ăn; 

  • Dùng chung dao, thớt hoặc để lẫn thực phẩm tươi sống với thức ăn chín; 

  • Rửa thực phẩm, dụng cụ ăn uống bằng nước nhiễm bẩn; 

  • Nấu thực phẩm chưa chín hoặc không đun sôi lại trước khi ăn; 

  • Dùng khăn bẩn để lau dụng cụ ăn uống; 

  • Người chế biến thực phẩm, chuẩn bị thức ăn đồ uống đang bị các bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy, đau bụng, nôn, sốt, ho hoặc nhiễm trùng ở da. 

Ô nhiễm bởi hóa chất: Nguồn hóa chất ô nhiễm vào thực phẩm cũng bằng nhiều cách. 

  • Sử dụng các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không cho phép hoặc quá liều lượng quy định; 

  • Dùng dụng cụ sành sứ, sắt tráng men, nhựa tái sinh hoặc các vật liệu bao gói khác…bị nhiễm chì hoặc các chất độc hóa học khác để chứa đựng thực phẩm; 

  • Các loại rau quả được bón quá nhiều phân hóa học, trồng ở vùng đất bị ô nhiễm hoặc thu hái khi vừa mới phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng, tưới nước thải bẩn; 

  • Không chấp hành đúng quy định việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, các loại thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật; 

Ô nhiễm bởi các loại nấm mốc: Các loại thực phẩm bảo quản không tốt rất dễ có nấm mốc phát triển, nguy hiểm nhất là các loại nấm mốc ở các loại hạt (hạt lạc, hạt hướng dương…) có khả năng gây ung thư cao. 

Một số loại thực phẩm còn chứa các độc tố tự nhiên, khi sử dụng làm nguy hại cho sức khỏe người sử dụng: ví dụ, chất độc trong củ sắn (say sắn), trong quả dứa (say dứa); chất độc trong cá nóc; chất độc trong củ khoai tây mọc mầm; một số loài nấm tự nhiên cũng chứa những chất độc nguy hiểm. 



4. Hướng dẫn thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Hãy chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn; 

  • Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn đồ uống và rửa dụng cụ; 

  • Sử dụng các đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ; 

  • Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ; 

  • Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín xong; 

  • Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn; 

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt; Rửa tay trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; 

  • Giữ gìn vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm; 

  • Sử dụng các vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ và thích hợp. 

5. Cách bảo quản, chế biến một số rau quả

  • Để đảm bảo rau quả sạch, không bị hao hụt chất dinh dưỡng cần thu hái rau quả vào lúc sáng sớm, lúc đó các thành phần dinh dưỡng là cao nhất. Tránh thu hái lúc mưa, nắng, trời nhiều sương vì nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ ảnh hưởng xấu đến bảo quản rau quả. Khi thu hái rau quả cần nhẹ nhàng, tránh làm xây xát, dập nát vì như vậy sẽ làm hao hụt nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C. 

  • Trong quá trình trồng, nếu có sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phải đảm bảo đủ thời gian cách ly quy định ở từng loại hóa chất. Không sử dụng phân tươi, phân chưa ủ kỹ tưới vào các loại rau ăn sống vì trong đó có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, trứng giun, sán. Trước khi ăn các loại quả nên rửa sạch, gọt vỏ, các loại rau nên rửa kỹ nhiều lần.