Quy định học sinh tiểu học được vượt lớp: Cần có thời gian đánh giá toàn diện  
Sẽ có hiệu lực từ ngày 20/10 sắp tới, Thông tư 28 về Điều lệ Trường tiểu học vừa được Bộ GD&ĐT chính thức ban hành cho thấy có nhiều điểm mới. Trong đó, nội dung liên quan "Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học" được nhiều giáo viên và chuyên gia đánh giá là tiến bộ, phù hợp với định hướng giáo dục phát triển năng lực phẩm chất của từng người học.

Học lớp 1 mới hơn 1 tuần lễ, con gái chị Nguyễn Ngọc Kim Thoa ở Huyện Bình Chánh, TP.HCM đã viết thành thạo bài học qua lời đọc của mẹ. Với những bài toán dành cho lớp 2, em cũng giải quyết một cách dễ dàng.

Từ khi 2-3 tuổi, gia đình chị Thoa đã nhận thấy con mình có năng khiếu vượt trội về trí nhớ. Đến khi con chuẩn bị vào lớp 1, chị Thoa đã liên hệ với ngành giáo dục đề xuất cho con được bỏ qua lớp 1 mà lên thắng lớp 2.

Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT TP.HCM, trí nhớ, năng lực có thể bằng các bạn lớp 2-3 nhưng thể lực có thể chưa bằng và chưa được phép vượt cấp.

Tháng 10 tới, Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT với quy định cho học sinh học vượt lớp cấp tiểu học sẽ bắt đầu có hiệu lực. Với chị Thoa, đây là tin mừng cho gia đình để tạo điều kiện cho các con có thể lực, trí tuệ.

Phụ huynh mừng là thế nhưng với giáo viên và chuyên gia giáo dục, quy định này được xem là một bước tiến theo hướng giáo dục cá nhân. Tuy nhiên, quy định vẫn đặt ra cho các trường nhiều khó khăn về việc tổ chức Hội đồng khảo sát, tư vấn bởi nhà trường có thể đánh giá tốt về mặt chuyên môn, trí tuệ nhưng còn về mặt phát triển tâm lý là một vấn đề rất khó, vô tình có thể đánh giá nhầm.

Sẽ cần thêm thời gian và những hướng dẫn cụ thể để có thể đánh giá toàn diện năng lực của một học sinh có muốn học vượt lớp. Mong muốn con được Hội đồng trường đánh giá thêm một lần sau năm học này nên chị Thoa vẫn cho con làm quen với kiến thức lớp 2. Và dù học đúng lớp hay vượt lớp, việc mỗi học sinh được học đúng với khả năng và tốc độ của mình mới là điều quan trọng hơn cả.