Thời vụ
Chủ yếu trong vụ xuân (tháng 2 – 5) và thu hoạch suốt vụ hè thu (5 -9).
Chuẩn bị giống
Hiện nay có 3 loại giống mồng tơi: mồng tơi trắng (phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt); mồng tơi tía (phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ); mồng tơi lá to nhập từ Trung Quốc (lá dày, màu xanh đậm, phiến lá to, thân mập, ít nhớt và cho năng suất cao). Nên chọn trồng giống mồng tơi Trung Quốc, vừa năng suất, vừa đảm bảo yếu tố về dinh dưỡng.
Gieo xong phủ lên trên một lớp rơm mỏng để giúp tạo ẩm độ cho hạt nhanh nẩy mầm và không bị mất, trôi hạt. Tưới nước để giữ ẩm độ, một tuần sau là hạt nẩy mầm.
Kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc
Mồng tơi là cây dễ trồng, hạt có sức nảy mầm tốt. Có thể làm đất lên luống trồng theo hàng, gieo vãi hoặc hoặc chọc lỗ gieo hạt. Cây con cũng có thể tỉa cấy khi có 2 -3 lá thật. khoảng cách các cây nên khoảng 20 – 25cm.
Mồng tơi là cây dễ tính, thích hợp với phân chuồng hoai mục. Tùy tình hình sinh trưởng của cây mà có lượng phân bón cho phù hợp. Lượng bón có thể từ 1 – 2 xẻng/m2 sau mỗi lần thu hoạch.
Phòng trừ sâu bệnh
Mồng tơi ít bị sâu bệnh. Bệnh thường gặp là đốm mắt cua (trên lá xuất hiện vết đốm tròn viền màu nâu đỏ). Bệnh này không gây hại nhiều nên khi trồng quy mô hộ gia đình không cần tác động biện pháp hóa học. Trong quá trình trồng thường xuyên kiểm tra nếu thấy sâu thì bắt bằng phương pháp thủ công, phát hiện bệnh (cây bị thối nhũn) thì nhổ bỏ cây bệnh.
Thu hoạch
Người dân địa phương thường có thói quen để mồng tơi mọc tự nhiên, cho leo lên bờ rào và thu hoạch bằng cách hái lá sử dụng cho bữa ăn hàng ngày. Cách thu hoạch này thường mất thêm thời gian, năng suất thấp và chất lượng hạn chế do mồng tơi tiêu hao nhiều dinh dưỡng cho việc leo dàn.
Với cách trồng và thu hoạch mới sau đây có thể giúp anh/chị thu hoạch được năng suất và chất lượng rau tốt hơn bằng cách: Gieo rau thành luống như trình bày ở trên. Sau trồng khoảng 40 ngày thì thu hoạch, dùng dao sắc cắt gốc cách mặt đất 5-10cm. Từ đó trở đi khoảng 12-15 ngày lại thu được một lứa.
Để giống mồng tơi
Người dân địa phương chưa có thói quen để giống mồng tơi. Mồng tơi tại các hộ được duy trì qua hạt của các dàn rụng xuống và mọc tự nhiên tại vườn. Điều này hạn chế đến tính chủ động trong diện tích trồng, vị trí trồng và năng suất, chất lượng mồng tơi. Anh/chị nên chủ động để giống mồng tơi bằng cách: Đến khoảng tháng 8, tháng 9, chọn những cây sinh trưởng tốt trong khu ruộng, ngừng thu hái để cho cành nhánh ra quả, tháng 10-11 hái quả chín đen, rửa sạch thịt quả, phơi khô khoảng 3 – 4 nắng, cất hạt trong chai nhựa kín để giống.