Đậu tương có thể trồng 3 vụ: vụ xuân (15/2 – 10/3), vụ hè (15/5– 30/6) và vụ thu đông (25/8 – 5/10).
Tùy điều kiện đất đai, khả năng tưới tiêu và cơ cấu mùa vụ để có thể lựa chọn thời vụ trồng thích hợp.
Chuẩn bị hạt giống
Một số giống có năng suất cao và thích hợp với khí hậu địa phương như DT 2008, DT 2001, VX.93, M.103, DT.93, DT.84, DT.95. Thời gian sinh trưởng khoảng 80-100 ngày tùy giống và thời vụ gieo trồng.
Trước khi gieo cần kiểm tra tỉ lệ này mầm, chọn những hạt đỗ đều, loại bỏ những hạt bị sâu bệnh, mốc, mọt.
Chuẩn bị đất
Đậu tương có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, thích hợp đất giàu mùn, thịt nhẹ, tiêu thoát tốt. Trong điều kiện địa phương có thể trồng đậu tương sau ngô vụ hè, đất chuyển từ trồng sắn và cây trồng khác sang đậu tương, trồng xen với cây lâu năm, đất mía khi chưa khép tán.
Nên hạn chế dùng thuốc trừ cỏ mà làm cỏ bằng tay. Nên làm lúc đất có độ ẩm vừa phải, không làm cỏ lúc đất quá ướt, cỏ dại sẽ không chết.
Khi dọn nương, không đốt tàn dư cây trồng từ vụ trước như thân ngô, mía, cỏ dại mà nên giữ lại làm lớp bổi che phủ bề mặt nương sau khi gieo hạt để giữ độ ẩm đất, hạn chế xói mòn và cỏ dại.
Tùy đặc điểm đất đai, điều kiện địa hình, lao động có thể gieo đậu bằng cách rạch hàng, cuốc hốc và chọc lỗ bỏ hạt. Đất dốc nên hạn chế tác động vào bề mặt đất để hạn chế xói mòn đất.
Bón lót phân chuồng hoai mục, supe lân xuống rãnh hoặc hốc,hố, lấp đất nhẹ rồi gieo hạt bên cạnh, độ sâu lấp hạt khoảng 1– 2cm.
Gieo hạt
Mật độ gieo hạt tùy thuộc vào giống, thời vụ và đất đai. Đất tốt, thuận tưới tiêu trồng thưa hơn. Mật độ chung khoảng 35 -40 cây/m2 (hàng cách hàng khoảng 35 - 40cm, cây cách cây khoảng 6 – 10 cm).
Chăm sóc
Sau gieo 7 -10 ngày, kiểm tra trồng dặm vào những hốc khuyết để đảm bảo mật độ. Khi cây được 2 – 3 lá kép, tiến hành nhổ cỏ và tỉa định cây.
Đậu tương không chịu được úng, ngập nước nên cần chủ động tiêu nước nhanh khi có mưa lớn. Chú ý thời gian cây đậu tương, ra hoa, nếu đất quá ẩm sẽ làm tăng khả năng rụng nụ, hoa và quả non.
Thu hoạch và bảo quản
Khi 2/3 số quả chuyển từ màu xanh sang màu nâu xám lá chuyển màu vàng thì chọn thời tiết nắng ráo để thu hoạch, cắt cả cây về đem ủ 2 ngày rồi đem ra rũ cho hết lá, tiếp tục ủ thêm 2 -3 ngày cho quả chín hoàn toàn, hạt vàng không nứt. Đem đậu tương ra phơi nắng, đập lấy hạt, loại bỏ tạp chất, hạt xanh hạt vỡ rồi phơi tới khi khô giòn (cắn không dính răng) thì đưa vào bảo quản.
Lưu ý: không phơi hạt trên sân gạch hoặc sân xi măng, không phơi quá giòn làm giảm chất lượng hạt giống thương phẩm hoặc mất sức nảy mầm hạt giống.
Hạt sau khi phơi khô, để nguội khoảng 2 -3 giờ cho vào bảo quản. Không bảo quản lúc hạt còn nóng, hạt dễ bốc hơi làm mất sức nảy mầm.
Để giống đậu tương
Chọn những cây tốt, đúng giống, nhiều quả, quả đều, ít sâu bệnh để thu hoạch làm giống. Sau khi phơi khô, làm sạch hạt, tiến hành sàng, phân loại để chọn những hạt to, mẩy, đều, không sâu bệnh để bảo quản làm giống. Cách bảo quản tương tự như trình bày phần trên.
Nguồn: Sổ tay vườn rau dinh dưỡng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.