Nước rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, vì vậy uống đủ nước là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước lại có thể dẫn đến ngộ độc nước.
1. Tác hại uống quá nhiều nước
Đi tiểu quá nhiều. Thông thường, mọi người đi tiểu từ 6-8 lần mỗi ngày. Nếu bạn đi tiểu nhiều hơn 10 lần mỗi ngày là bạn đang thừa nước. Nước tiểu sậm màu là không tốt nhưng nếu trong veo tới không màu thì lại phải cảnh giác.
Bị chuột rút. Sự mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể gây ảnh hưởng đến chức năng cơ bắp dẫn đến co thắt cơ và chuột rút. Điều này xảy ra lượng nước cơ thể phải đào thải quá nhiều làm giảm mức điện giải. Mức điện giải thấp có thể dẫn đến chuột rút.
Luôn mệt mỏi và căng thẳng. Khi đó thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng nước dư thừa và điều này kích thích tuyến thượng thận (chịu trách nhiệm đối phó với căng thẳng) quá mức. Khi có quá nhiều hormone căng thẳng trong cơ thể có thể còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Hại tim. Uống quá nhiều nước có thể làm tổn thương tim bởi uống quá nhiều nước có thể làm tăng thể tích máu trong cơ thể, do đó sẽ tăng gánh nặng cho tim. Áp lực không cần thiết này thực sự có thể làm hư hỏng các mạch máu, cũng có thể dẫn tới động kinh trong một số trường hợp.
Ảnh hưởng đến thận. Thận là cơ quan có chức năng lọc nước, do đó, nếu bạn uống nước quá mức sẽ khiến thận phải tăng giờ hoạt động lên. Lâu ngày, thận mệt mỏi, chức năng suy giảm nên có thể gây ra các bệnh về thận.
Tổn thương não. Khi uống nhiều nước đến mức vượt qua khả năng xử lý của thận sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng natri trong máu, có thể tàn phá não và cơ thể. Tình trạng này gọi là ngộ độc nước. Ngộ độc nước có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí trong trường hợp cực đoan có thể gây tổn thương não, hôn mê, thậm chí là tử vong.
2. Uống thế nào là đủ?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng nước này còn phụ thuộc vào môi trường sống, cân nặng, chế độ dinh dưỡng, tính chất công việc hàng ngày. Nếu bạn là người thường xuyên vận động thể chất hoặc ngồi máy lạnh cả ngày thì cần nhiều lượng nước hơn. Nếu chế độ ăn nhiều rau và trái cây thì có thể giảm uống nước bởi trong rau và trái cây cũng chứa một lượng nước nhất định. Không nên đợi khát mới uống nước.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, uống nước có lợi cho những người khỏe mạnh không gặp vấn đề về bệnh tim hoặc thận mãn tính. Những người mắc bệnh mãn tính cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về lượng nước họ tiêu thụ hàng ngày.
3. Lý do nên uống nước trước khi uống trà hoặc cà phê
Trước khi uống trà hoặc cà phê, hãy đảm bảo uống một ít nước trước. Lý do là vì uống nước trước khi uống trà hoặc cà phê sẽ làm giảm hàm lượng axit trong dạ dày. Trà có độ pH khoảng 6 (có tính axit) và cà phê có độ pH là 5 (cũng nằm trong khoảng axit). Vì vậy, khi bạn uống trà hoặc cà phê, dù là vào buổi sáng hay buổi tối, chúng đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loét cấp tính và ung thư. Nước cũng làm giảm ảnh hưởng của trà lên răng do chứa hàm lượng axit cao.
Nguồn: anninhthudo.vn