Chuyên đề 08  
Bài giảng tham khảo (Slide trình chiếu)

Vai trò của vận động, Hướng dẫn sử dụng Tháp vận động 




 Mục tiêu bài học:


 Sau bài học, học sinh nắm được:

  • Muốn cho cơ thể phát triển toàn diện, khỏe mạnh thì chúng ta cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đồng thời phải tích cực vận động, tăng cường rèn luyện thể lực; hãy hạn chế lối sống tĩnh tại, ít vận động.

  • Có rất nhiều hình thức vận động tích cực, phù hợp với lứa tuổi học sinh; tham gia làm việc nhà giúp cha mẹ cũng là một hình thức vận động thể lực một cách tích cực và bổ ích.

  • Hiểu và làm theo những lời khuyên của Tháp vận động. Có ý thức ăn uống và vận động thể lực hợp lí để có được một cơ thể khoẻ mạnh.

1. Vận động thể lực có vai trò rất quan trọng để phát triển cơ thể toàn diện

Vận động thể lực rất quan trọng cho sức khỏe của chúng ta. Các hoạt động như chơi thể thao (cầu lông, bóng đá…), đi xe đạp, chạy bộ và khiêu vũ đều là những hình thức vận động thể lực tốt cho sức khỏe. Ngay cả khi các em tham gia làm một số công việc ở nhà như: quét dọn, lau nhà, rửa bát, phơi quần áo… cũng chính là các hoạt động thể lực tích cực và rất có ích cho sự phát triển toàn diện của các em.

Thông qua các hoạt động thể lực, chúng ta sẽ trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt; khối cơ và hệ xương phát triển tốt hơn. Các nhà khoa học còn chứng minh rằng duy trì hoạt động thể lực phù hợp, đều đặn sẽ giúp cho trí não phát triển toàn diện hơn, tăng cường khả năng tư duy và giải quyết vấn đề. Các bạn trẻ yêu thể thao thường có tư duy thoáng, nhìn nhận vấn đề rộng hơn và ít bị stress, giảm thiểu tối đa mắc căn bệnh trầm cảm nguy hiểm.

Những lợi ích của vận động

  • Vận động giúp các em duy trì sự cân bằng năng lượng. Ăn nhiều quá mức cần thiết sẽ gây ra dư thừa chất dinh dưỡng và chất dinh dưỡng dư thừa này sẽ tích tụ thành mỡ. Vận động, tập thể dục sẽ giúp đốt cháy nguồn năng lượng dư thừa này, do đó giúp duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân khi bị thừa cân béo phì

  • Vận động giúp các em khỏe mạnh và phát triển thể lực toàn diện hơn, khi vận động, các em sử dụng cơ bắp nhiều, thì cơ bắp càng săn chắc khỏe mạnh,  vận động còn giúp bộ xương vững chắc, phát triển tốt chiều cao. Chơi kéo co, chạy bộ và đi xe đạp là các hình thức vận động giúp cơ bắp săn chắc và giữ cho xương các em chắc khỏe.

  • Vận động giúp cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể phát triển tốt hơn, tăng sức bền và cải thiện khả năng chịu đựng của hệ hô hấp, tuần hoàn. Khi các em vận động, tim co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể, cung cấp lượng ôxy cần thiết cho các tế bào; vận động, tập thể dục giúp tim của các em bơm máu nhanh và khỏe hơn.

  • Vận động giúp cơ thể các em linh hoạt hơn. Cơ thể linh hoạt nghĩa là các em có thể uốn cong hay kéo giãn cơ thể mà không gặp nhiều khó khăn, ví dụ cúi gập người xuống chạm tay vào ngón chân mà không cảm thấy đau. Tập thể dục, khiêu vũ và võ thuật (taekwando hoặc silat) sẽ giúp tăng cường sự linh hoạt của các em. Vận động, tập thể dục đúng cách còn giúp các em cải thiện tư thế,  dáng điệu đẹp hơn.

  • Vận động giúp các em luôn có được tinh thần thoải mái, vui vẻ. Khi tham gia các môn thể thao giúp các em cảm thấy vui vẻ hơn, dễ dàng hòa nhập, thích nghi, có nhiều cơ hội kết bạn. thư giãn, tăng khả năng tự tin vào bản thân, khả năng tự học hỏi khám phá. Tập thể dục làm cho não giải phóng ra một loại hóa chất giúp các em cảm thấy hạnh phúc và giảm căng thẳng. Vận động và tham gia các môn thể thao còn giúp các em rèn luyện một số phẩm chất: tính tổ chức, tính kỷ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái.


2. Hãy làm theo lời khuyên của Tháp vận động

Tháp vận động (TVĐ) hướng dẫn chúng ta về mức độ và tần xuất các loại hoạt động thể lực phù hợp để rèn luyện sức khỏe. Như vậy, chúng ta không chỉ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh mà cần có cả chế độ hoạt động thể lực hợp lý. Có như thế, chúng ta mới duy trì được một tình trạng sức khỏe tốt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các tiện nghi của cuộc sống hiện đại ngày nay làm cho con người hạn chế các hoạt động thể lực. Trước kia chúng ta đi bộ hay đi xe đạp đến trường, ngày nay nhiều bạn học sinh đi xe buýt hoặc bố mẹ đưa đón đến trường bằng xe máy; trước kia chúng ta dành nhiều thời gian cho các hoạt động vui chơi ngoài trời như đá bóng, nhảy dây..., bây giờ các bạn dành nhiều thời gian hơn cho xem tivi, xem hoạt hình, trò chơi điện tử. Tất cả những nếp sinh hoạt và lối sống tĩnh tại ít hoạt động thể lực làm cho cơ thể chúng ta trì trệ, không năng động, làm việc gì liên quan đến thể lực là nhanh mệt mỏi, chưa kể đến các bệnh tật có thể kéo theo nếu chúng ta không có một lối sống năng động, lành mạnh, như: béo phì, tiểu đường, cong vẹo cột sống.

Hoạt động thể lực giúp các em có hệ xương, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn khỏe mạnh, ngoài ra còn giúp phòng chống thừa cân, béo phì và trầm cảm; giúp phát triển chiều cao, phòng chống bệnh tật.... Mức độ hoạt động thể lực phù hợp sẽ được thể hiện ở Tháp vận động như sau:


  • Hạn chế: Với các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, chơi trò chơi điện tử, lướt web, chat với bạn bè qua mạng internet, hoặc ngồi lâu một chỗ mà không làm gì với thời gian lâu trên 30 phút… bạn nên hạn chế.

  • Thỉnh thoảng (2-3 lần/tuần): Với các hoạt động như bơi, đá bóng, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, nhảy theo nhạc, nhảy dây, chạy bộ, tập võ… các bạn có thể tham gia mỗi tuần từ 2-3 lần.

  • Hàng ngày: Một số công việc sau bạn có thể tham gia hàng ngày, vừa luyện tập, rèn luyện thể lực, lại vừa giúp đỡ được bố mẹ đấy! như làm việc nhà, quét nhà, lau nhà, đạp xe đạp, đi bộ….

Các em có rất nhiều cách để tăng cường vận động, ở mọi nơi, mọi lúc, dù ở trường, ở nhà hay ở sân chơi. Các em hãy thảo luận và liệt kê các loại hình vận động phù hợp mà các em thường tham gia ở các nơi khác nhau nhé:

Ở nhà

Ở trường

Ở sân chơi, công viên

  • Giúp cha mẹ việc nhà (ví dụ như quét nhà, rửa bát đĩa, gấp hoặc treo quần áo);

  • Dọn dẹp phòng; Lau cầu thang;

  • Làm vườn, chăm sóc cây cảnh (cắt tỉa và tưới nước cho cây)

  • Phụ giúp cha mẹ nấu ăn, đi chợ…
  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường như ca hát và khiêu vũ.

  • Học các môn võ thuật như Karate, taekwondo, silat,…

  • Tham dự các lớp giáo dục thể chất và sức khỏe (môn thể dục).

  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa như chơi các môn thể thao/trò chơi sau: Bóng rổ; Bóng lưới; Bóng đá trong nhà; Bóng đá; Cầu lông; Bơi lội; Bóng chuyền…
  • Chơi trong khu vui chơi

  • Đi dạo, nhún nhảy, leo trèo

  • Chạy

  • Nhảy

  • Đạp xe


3. Những điều các em cần nhớ khi vận động

  • Hãy vận động mỗi ngày

  • Hãy tham gia hoạt động ngoài trời ít nhất 1 tiếng mỗi ngày

  • Thường xuyên chơi thể thao và tham gia các lớp giáo dục thể chất và sức khỏe (ví dụ môn thể dục trong nhà trường).

  • Tập một số bài tập kéo giãn, ví dụ: tập xà đơn để tăng tính linh hoạt và khỏe mạnh của cơ thể.

  • Tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn khi tham gia các hoạt động vận động thể lực.

  • Giảm thời gian xem ti vi, chơi game, ngồi tĩnh tại một chỗ quá lâu.