Vai trò của hoạt động thể lực đối với học sinh tiểu học  

Giúp nâng cao sức khỏe và phát triển thể lực: nâng cao các tố chất thể lực như: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo, mềm dẻo của cơ thể. Tạo điều kiện để cơ thể phát triển cân đối; kích thích và tăng cường hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, làm cơ sở quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển lành mạnh và giảm chấn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và rèn luyện đạt kết quả tốt. 


  
  

Giúp tăng cường nhận thức: Hoạt động giúp học sinh luôn nhanh nhẹn, thoải mái, tiếp thu bài tốt, cải thiện thành tích học tập. Hoạt động thể lực cũng giúp làm giảm căng thẳng, bồn chồn và thiếu tập trung do phải ngồi liên tục trong lớp học.

Ảnh hưởng tích cực đến tâm lý, giúp trẻ phát triển các quan hệ xã hội và dự phòng các hành vi nguy cơ. Hoạt động thể lực xây dựng lòng tự tin, tự nhận thức về các bộ phận và hình ảnh cơ thể cũng như các kỹ năng xã hội quan trọng và các giá trị như làm việc theo nhóm, chơi công bằng, khoan dung, hòa đồng với bạn bè.

Làm giảm yếu tố nguy cơ bệnh mạn tính trong tương lai. Hoạt động thể lực ở học sinh là nền tảng cho sức khỏe tương lai tốt hơn. Nhiều bệnh và tình trạng sức khỏe xấu liên quan đến ít hoạt động thể lực như bệnh tim, đột quỵ, béo phì, v.v. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến sự phát triển của các bệnh mạn tính có thể tránh được ở tuổi học sinh. Ví dụ, mật độ xương, nên được thiết lập sớm ở độ tuổi học sinh là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh loãng xương sau này.

Nguồn: trích từ cuốn Hướng dẫn Thực hành dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh tiểu học trong nhà trường - Cục Y tế dự phòng