Những thói quen tốt về dinh dưỡng và lối sống giúp tăng cường trí nhớ  

Khái niệm về trí nhớ

Trí nhớ là khả năng lưu giữ thông tin từ môi trường ngoài tác động lên cơ thể qua các giác quan, được cơ thể ghi nhận và lưu trữ lại, nơi lưu trữ thông tin chủ yếu là ở các cấu trúc não, những thông tin này sẽ được cơ thể tái hiện, khai thác, sử dụng trong những trường hợp cần thiết, ví dụ như việc học thuộc Bảng cửu chương, khi các bạn đã thuộc (ghi nhớ thông tin),  lúc tính toán, chúng ta sẽ phải tái hiện lại thông tin (tức là quá trình nhớ lại quy luật của Bảng cửu chương) để áp dụng cho một phép tính cụ thể nào đó. Một ví dụ khác là việc bạn ghi nhớ quãng đường đi từ nhà đến trường, lần đầu tiên bạn đi, chính là lúc trí não của bạn bắt đầu ghi nhận thông tin; thông tin này được lưu trữ trong trí não, để rồi hàng ngày, các bạn đi đến trường, thông tin tái hiện giúp chúng ta đi đúng đường... Bản chất của trí nhớ chính là việc thành lập đường liên hệ thần kinh tạm thời trên não bộ. Cơ sở sinh lý của trí nhớ chính là quá trình hình thành, lưu giữ, củng cố và khôi phục lại các đường liên hệ thần kinh tạm thời.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng Nhớ là quá trình thần kinh cao cấp phức tạp. Không nên coi một thuyết nào về cơ chế của sự nhớ là tuyệt đối và vĩnh viễn. Mỗi thuyết được xây dựng từ một loạt thực nghiệm tiến hành trong những điều kiện xác định của thực nghiệm đó, và do đó phản ánh một khía cạnh xác định của sự nhớ. Không nên coi các thuyết khác nhau là bác bỏ lẫn nhau, mà nên coi chúng bổ xung nhau để giúp ta hiểu nhiều cơ chế diễn biến, nhiều khía cạnh thể hiện của sự nhớ trong hệ thần kinh chúng ta.

Trí nhớ có nhiều loại. Người ta có thể phân loại trí nhớ dựa theo sự hình thành trí nhớ (theo cách phân loại này thì trí nhớ bao gồm: trí nhớ hình tượng; trí nhớ vận động; trí nhớ cảm xúc; trí nhớ ngôn ngữ - logic), hoặc phân loại trí nhớ dựa theo thời gian tồn tại của trí nhớ (theo cách phân loại này thì trí nhớ bao gồm: trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn).

Những yếu tố ảnh hưởng đến trí nhớ

Có rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến trí nhớ, bao gồm cả những yếu tố ngoại cảnh, môi trường và những yếu tố bên trong cơ thể, mặt khác, lượng thông tin; nội dung; hình thức của thông tin tiếp nhận cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp cho việc hình thành trí nhớ dễ dàng, lâu bền.

Những yếu tố ngoại cảnh: khi tiếp nhận thông tin, trong một môi trường giúp chúng ta tập trung cao độ, ít các yếu tố nhiễu xung quanh thì việc tiếp thu thông tin và ghi nhận trí nhớ sẽ tốt hơn. Ví dụ trong lớp học, nếu các em tập trung nghe giảng, không nói chuyện riêng, không bị suy nghĩ phân tán về những việc không liên quan đến bài giảng, thì các em dễ dàng nắm bắt được thông tin, dễ hiểu được bài ngay trên lớp, bên cạnh đó nếu các thầy cô giáo biết cách truyền đạt kiến thức cho các em một cách tích cực, không để các em thụ động thì quá trình ghi nhớ sẽ nhanh hơn và thời gian lưu lại trong trí não cũng lâu hơn, vì thế một trong các phương pháp các thầy cô hiện nay đang áp dụng đó là thay vì cách giảng bài một chiều truyền thống, thì nay sẽ khuyến khích các em tích cực tham gia thảo luận, làm việc nhóm, phản biện ý kiến, tham gia tích cực vào tiến trình của bài giảng.

Nội dung, hình thức, dung lượng thông tin tiếp nhận: chúng ta cũng nhận thấy rằng có những sự vật, hiện tượng mà chúng ta gặp phải sẽ để lại ấn tượng rất lâu, khó phai mờ, nhưng cũng có những sự vật hiện tượng mà chúng ta dễ dàng quên lãng sau một khoảng thời gian nhất định. Điều này một phần cũng do bởi sự vật, hiện tượng đó đã xảy ra như thế nào mà làm cho chúng ta nhớ lâu đến như thế. Mặt khác, nếu dung lượng thông tin quá lớn, chúng ta sẽ khó khăn nắm bắt, ghi nhớ được trong một khoảng thời gian nhất định, dẫn đến việc ghi nhận vào trí nhớ sẽ khó khăn. Vì thế, một bài giảng sẽ phải nghiên cứu để có dung lượng thông tin vừa phải, phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức của từng đối tượng, có như thế mới giúp quá trình ghi nhận thông tin, nắm bắt kiến thức được diễn ra thuận lợi dễ dàng. Cùng một dung lượng thông tin, nhưng nếu được truyền đạt bằng một hình thức phù hợp, hấp dẫn, hoặc nội dung thông tin là đúng cái mà chúng ta đang cần, đang tò mò muốn biết thì khả năng ghi nhận, lưu trữ thông tin sẽ được tiếp thu và ghi nhận một cách thuận lợi hơn rất nhiều.


Những yếu tố nội tại, bên trong cơ thể: đó là tình trạng thể chất, tinh thần của mỗi người chúng ta khi tiếp nhận thông tin. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh tích cực,  sẽ mang lại tình trạng tốt nhất về thể chất và tinh thần. ,Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ cho cơ thể chúng ta năng lượng, các vi chất dinh dưỡng, các nhóm chất có hoạt tính sinh hoạt cao, có vai trò rất quan trọng cho trí nhớ như: omega-3; omega-6; chất béo phốt pho (phospholipid); các axít a-min.

Những yếu tố hỗ trợ tích cực cho việc ghi nhận, hình thành và duy trì trí nhớ, như nếp sống, nếp sinh hoạt: Trong cuộc sống sinh hoạt hàng này, chúng ta có thể quan sát thấy một người nào đó rất dễ quên các đồ vật để ở đâu đó, lúc thì tìm chìa khóa, lúc thì tìm kính, bút, rồi điện thoại...., những hiện tượng này có thể hạn chế được nếu các vật dụng đó luôn được để ngăn nắp, gọn gàng, luôn có một chỗ để quy định. Người ta cũng có thể rèn luyện để có trí nhớ tốt bằng cách lên kế hoạch cho các công việc, sắp xếp, bố trí vật dụng gọn gàng, ngăn nắp.

Lời khuyên của chuyên gia

Trí nhớ rất quan trọng, để có được trí nhớ tốt, chúng ta cần thúc đẩy cả các yếu tố bên trong và các yế tố bên ngoài, cả trong việc rèn luyện duy trì một nếp sống, nếp sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng, xắp xếp công việc một cách khoa học, có kế hoạch.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, cùng với một lối sống lành mạnh tích cực sẽ mang lại tình trạng tốt nhất về thể chất và tinh thần, từ đó, chúng ta sẽ luôn sẵn sàng tiếp thu và ghi nhận luồng thông tin và trí nhớ.
Những hoạt chất dinh dưỡng cần thiết cho trí nhớ có nhiều loại, trong đó phải kể đến các nhóm chất có hoạt tính sinh hoạt cao, có vai trò rất quan trọng cho trí nhớ như: omega-3; omega-6; chất béo phốt pho (phospholipid); các axít a-min.
Chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6): Đây là các chất béo thiết yếu, là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh. Não còn cần cả chất bão hoà và cholesterol nhưng vì cơ thể có thể tự tổng hợp được nên không bị thiếu. Riêng omega-3 và omega-6 dễ thiếu, vì thế phải đưa từ bên ngoài vào qua đường ăn uống. Các chất béo thiết yếu này có trong các loại cá và các loại hạt nhiều dầu.

Chất béo phốt pho (phospholipid)
: Đây là người bạn tốt nhất của trí nhớ. Đây là chất béo bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sẽ dẫn truyền các tín hiệu một cách trơn tru trong não. Mặc dù cơ thể có thể tự tạo phospholipid nhưng chế độ ăn có thêm chất này vẫn tốt. Phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng. 

Axít a-min
: Đây là thành phần tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh (chất mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang thế bào thần kinh khác) nên hết sức cần thiết. Những a-xít a-min này có nhiều trong thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành và các loại đậu khác.

Ngoài ra, nhiều loại vi chất dinh dưỡng cũng trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào việc tăng cường và duy trì trí nhớ, ví dụ như chất sắt là một vi chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu, c
húng ta sẽ không thể tiếp thu thông tin tốt nếu cơ thể chúng ta luôn mệt mỏi, buồn ngủ do bệnh thiếu máu dinh dưỡng gây nên.

Hiểu được những yếu tố có liên quan đến việc hình thành và duy trì trí nhớ, chúng ta sẽ có những thay đổi tích cực, đặc biệt là về thói quen dinh dưỡng và lối sống, sao cho luôn duy trì được một tình trạng sức khỏe tốt nhất và một tinh thần minh mẫn, đây là điều kiện cơ bản để giúp bạn có trí nhớ tốt.

BS. Trịnh Hồng Sơn – Viện Dinh dưỡng