Vệ sinh an toàn thực phẩm  
   
Vai trò của vệ sinh an toàn thực phẩm 
 Một số lý do thường gây ô nhiễm thực phẩm. 

 

  

 

 

 

 

 

1. Vai trò của vệ sinh an toàn thực phẩm
Mọi người chúng ta đều nhận thấy tầm quan trọng của ăn uống, đó là nhu cầu hàng ngày, rất cấp bách và phải đáp ứng. “Bệnh từ miệng vào”, thức ăn sẽ không còn giá trị cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể nếu không bảo đảm vệ sinh an toàn. Khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm vi khuẩn hoặc các chất độc hại với lượng quá cao, sau một vài giờ có thể xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như sốt, nôn, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy và có thể dẫn đến tử vong.
Thực phẩm kém vệ sinh an toàn không chỉ gây nên ngộ độc cấp tính một cách ồ ạt dễ nhận thấy mà còn phải kể đến các bệnh mạn tính gây suy kiệt sức khỏe do nhiễm và tích lũy các chất độc hại như chì, thuỷ ngân, asen, thuốc bảo vệ động thực vật, phẩm màu độc với lượng nhỏ nhưng kéo dài thời gian sử dụng, đặc biệt là các độc tố vi nấm như aflatoxin trong ngô, đậu, lạc mốc... có thể gây ung thư gan.

2. Một số lý do thường gây ô nhiễm thực phẩm.
Thực phẩm từ động vật có bệnh hoặc thuỷ sản sống ở nguồn nước bị nhiễm bẩn và độc hại.
Các loại rau quả được bón quá nhiều phân hóa học, trồng ở vùng đất bị ô nhiễm hoặc thu hái khi vừa mới phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng, tưới phân tươi, nước thải bẩn.
Không chấp hành đúng quy định việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, các loại thuốc thú y trong chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật.
Sử dụng các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không cho phép hoặc quá liều lượng quy định. 
Dùng dụng cụ sành sứ, sắt tráng men, nhựa tái sinh... bị nhiễm chì hoặc các chất độc hóa học khác để chứa đựng thực phẩm.
Để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp hoặc gần nơi ô nhiễm.
Để thức ăn qua đêm hoặc quá 3 giờ ở nhiệt độ thường, không che đậy thức ăn để bụi bẩn, các loại côn trùng gặm nhấm, ruồi nhặng và các động vật khác tiếp xúc gây ô nhiễm.
Không rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm, thức ăn.
Dùng chung dao, thớt hoặc để lẫn thực phẩm tươi sống với thức ăn chín.
Rửa thực phẩm, dụng cụ ăn uống bằng nước nhiễm bẩn.
Nấu thực phẩm chưa chín hoặc không đun sôi lại trước khi ăn.
Dùng khăn bẩn để lau dụng cụ ăn uống.
Người chế biến thực phẩm, chuẩn bị thức ăn đồ uống đang bị các bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy, đau bụng, nôn, sốt, ho hoặc nhiễm trùng ở da.
Bảo quản chế biến một số rau quả
Để đảm bảo rau quả sạch, không bị hao hụt chất dinh dưỡng cần thu hái rau quả vào lúc sáng sớm, lúc đó các thành phần dinh dưỡng là cao nhất. Tránh thu hái lúc mưa, nắng, trời nhiều sương vì nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ ảnh hưởng xấu đến bảo quản rau quả. Khi thu hái rau quả cần nhẹ nhàng, tránh làm xây xát, dập nát vì như vậy sẽ làm hao hụt nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C.
Trong quá trình trồng, nếu có sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phải đảm bảo đủ thời gian cách ly quy định ở từng loại hóa chất. Không sử dụng phân tươi, phân chưa ủ kỹ tưới vào các loại rau ăn sống vì trong đó có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, trứng giun, sán. Trước khi ăn các loại quả nên rửa sạch, gọt vỏ, các loại rau nên rửa kỹ nhiều lần.
Trong quá trình chế biến nên lưu ý: Rau nên nhặt sạch, rửa kỹ rồi mới thái và nấu ngay. Lúc nấu nên đun sôi nước rồi mới thả rau như vậy sẽ hạn chế lượng vitamin C bị hao hụt, nấu xong nên ăn ngay. Cần phối hợp nhiều loại rau trong một món: Thí dụ xào thịt bò với xu hào, xúp lơ, cà rốt, đậu Hà Lan, nấm, cần tây, tỏi tây…, nấu xanh cua với mướp, mồng tơi, rau đay, như vậy vừa tạo cảm giác ngon miệng lại cung cấp đồng thời nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể thêm khỏe mạnh và thông minh.

Hướng dẫn thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm
Hãy chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn
Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn đồ uống và rửa dụng cụ
Sử dụng các đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ
Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ
Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín xong
Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt
Giữ gìn vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm
Sử dụng các vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ và thích hợp
Ngăn chặn, xử trí kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm và thực hiện các biện  pháp vệ sinh phòng bệnh