Yêu cầu của Vườn rau dinh dưỡng  
  • Một là có cơ cấu các loại rau phù hợp để tận dụng các khoảng đất trống xung quanh nhà/ quanh trường, tạo được nguồn rau sử dụng quanh năm, và tối ưu hóa lợi thế sinh thái (Ví dụ: hạn chế sâu bệnh hại, hạn chế mất cân bằng dinh dưỡng đất, điều hòa nhu cầu lao động cần thiết...). 

  • Hai là, có đủ các thành phần rau nhằm cung cấp đủ các vitamin, chất khoáng, chất xơ cho bữa ăn và mùi vị hấp dẫn các món ăn. Nếu được thiết kế và quản lý tốt, vườn rau dinh dưỡng gia đình/ nhà trường luôn đảm bảo cho thu hoạch ít nhất 3 loại rau quả thuộc ba nhóm thực phẩm khác nhau, cần thiết để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.

  • Ba là, có đủ lượng rau sử dụng theo nhu cầu của gia đình/ nhà trường và đảm bảo an toàn.

Vườn rau trồng cần được chăm sóc chu đáo, không sử dụng phân tươi, không sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh độc hại để đảm bảo sản phẩm rau an toàn và đủ lượng cung cấp cho nhu cầu sử dụng của gia đình/ nhà trường.


Vườn rau dinh dưỡng nên được duy trì thường xuyên 3 nhóm chính dưới đây:

  • Nhóm rau có màu xanh đậm (mồng tơi, rau ngót, cải mèo, rau muống, bí ngô…) giàu chất sắt và vitamin giúp bổ máu, sáng mắt và phòng bệnh nhiễm trùng. 



  • Nhóm rau củ quả chín có ruột màu đỏ hoặc vàng (khoai lang ruột vàng, cà rốt, đu đủ, bí ngô, dền đỏ…) rất giàu vitamin A và vitamin C giúp phát triển thông minh, tốt cho tim mạch, sáng mắt và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. 

  • Nhóm các loại hạt, đậu đỗ (đậu cô ve, đậu ván, lạc, đậu tương...) có nhiều chất sắt, can xi, chất béo và đạm thực vật giúp cơ thể cao lớn, xương chắc khỏe. 


Nguồn tham khảo: Trích từ cuốn Sổ tay vườn rau dinh dưỡng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam