Hướng dẫn chuẩn bị đất và biện pháp cải thiện dinh dưỡng đất  
Chuẩn bị đất trồng rau 

Bộ rễ các loại rau nói chung ăn nông ở tầng đất mặt, do vậy tính chịu úng, chịu hạn kém và lại rất dễ bị sâu bệnh, cho nên đất trồng rau nhất thiết phải được chuẩn bị cẩn thận. Đất cần được cuốc lên, làm nhỏ, nhặt sạch cỏ dại, rắc vôi bột khử trùng để trừ các nguồn bệnh trong đất và lên luống trước khi trồng. 
Lưu ý: Đất trồng rau không nên làm quá nhỏ sẽ làm bí đất, và kích thích cỏ dại phát triển. Vụ hè mưa nhiều nên làm luống khum mui rùa, mặt luống hẹp và cao, trái lại, mùa đông xuân khô hanh, lên làm phẳng và rộng hoặc hơi trũng lòng khay để giữ nước, giữ phân. Nếu sử dụng cây rau giống, nên tận dụng luống có sẵn từ vụ trước (thay vì làm đất lại từ đầu), để tránh tác động không tốt tới cấu trúc đất.

Kích thước luống rau tùy thuộc vào đặc điểm sinh trưởng của từng loại rau. Thông thường, với các loại rau ăn lá như cải mèo, cải ngồng, mồng tơi, cà … làm luống rộng khoảng 1 mét để thuận tiện chăm sóc. 

Với những loại rau trồng leo dàn như đậu đũa, đậu cô ve, làm luống rộng 0,8 – 1 mét trên mặt luống rạch thành hai hàng cách nhau 0,6 mét để trồng cây theo hàng. 

Với cây bầu bí, bộ rễ có khả năng ăn sâu và chịu hạn khá, cây sinh trưởng mạnh và có khả năng leo giàn nên có thể trồng thành hốc. Các hốc được đào sâu 30 – 40cm, rộng 40 – 50cm, bón phân hữu cơ hoai mục. Mỗi hốc có thể trồng 2 – 3 cây, khoảng cách giữa các hốc từ 2,5 – 3,5m tùy điều kiện đất đai và mùa vụ trồng, đất tốt, mùa vụ trồng thích hợp thì trồng thưa, đất xấu, thiếu nước thì trồng dày. Nếu dùng phân chưa hoai mục thì không bón trực tiếp vào hố trồng cây. Khi đó, đào hố trồng cây nhỏ hơn và đào hố nhỏ khác cách hố trồng cây 10 - 20 cm, sâu 15 – 20 cm) bón phân và lấp đất lại. 

Các biện pháp cải thiện dinh dưỡng đất 

Chất lượng đất (sức khỏe đất) có vai trò quyết định đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh hại của cây trồng. Trong điều kiện địa phương, đất vườn nông hộ thường gặp một số khó khăn như quỹ đất hẹp, đất cằn cỗi, độ dốc cao, thiếu nước tưới… Vì vậy để hoạt động trồng trọt được hiệu quả cần cải thiện dinh dưỡng đất thường xuyên.
 

Dưới đây trình bày một số kỹ thuật giúp cải thiện dinh dưỡng đất trong điều kiện địa phương. 

Sử dụng lớp bổi. Trong điều kiện địa phương, nguồn phụ phẩm nông nghiệp như thân lá mía, ngô, đậu đỗ, vỏ quả cà phê, cỏ ... rất nhiều. Chúng ta nên tận dụng nguồn phụ phẩm dùng để che phủ đất, tủ gốc cây, che phủ mặt luống trong quá trình canh tác bằng cách. Việc làm này rất đơn giản nhưng có ý nghĩa lớn, được ví giống như đắp một tấm chăn bảo vệ đất và cây trồng với rất nhiều tác dụng như sau: 

  • Lớp bổi bảo vệ đất khỏi sự xói mòn, rửa trôi khi có mưa lớn. Giúp cho hạt giống không bị chìm sâu hoặc trôi dạt do mưa hay nước tưới.

  • Lớp bổi giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại, bảo vệ cây trồng khỏi sự phá hoại của một số vật hại như chim, chuột, ốc sên….

  • Lớp bổi giúp giữ ẩm cho đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển và tiết kiệm nước tưới, đặc biệt là trong mùa khô.

  • Lớp bổi có tác dụng điều hòa nhiệt độ đất, giúp giảm nhiệt độ trong mùa hè và giữ ấm cho đất vào mùa đông.

  • Trong quá trình che phủ đất, lớp bổi hoai mục dần còn có tác dụng bổ sung thêm dinh dưỡng, chất mùn cho đất, giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất. 

Bón phân hữu cơ. Phân bón hữu cơ chứa đa dạng các chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Phân hữu cơ có tỷ lệ mùn cao, có tác dụng cải tạo đất, giữ nhiệt và khí cho tầng đất mặt, hấp thu phần lớn phân bón vô cơ để cung cấp dần cho cây trồng. 

Địa phương có nguồn phân hữu cơ dồi dào, nên chủ động bón đủ lượng phân hữu cơ cho đất trong quá trình canh tác để cải thiện dinh dưỡng đất và tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Nên bón lót phân chuồng đã được ủ hoai mục vào đất trước khi trồng trọt với lượng 2 – 4kg/m2 tùy thuộc vào loại cây trồng và lượng phân đã chuẩn bị được. 

Luân canh cây trồng. Việc trồng trọt một loại cây trồng liên tục trên một mảnh đất sẽ làm tích lũy nguồn sâu bệnh hại, gây thiếu hụt dinh dưỡng đất dẫn đến năng suất, chất lượng cây trồng giảm. Vì vậy, cần xây dựng được công thức luân canh hợp lý, việc này không chỉ giúp bảo vệ, cải tạo đất mà còn tạo ra được nguồn rau ăn quanh năm. Việc luân canh nên chú ý đến cây trồng khác họ để hạn chế nguồn lây lan sâu bệnh hại. 

Ví dụ về một số công thức luân canh:

  • Đậu cô ve (tháng 9 – 12) – Cải thái (tháng 12 – 3) – Rau muống (tháng 3 - 9)

  • Su hào (tháng 9 – 11) – Bắp cải (T 12 – 3) – Đậu cô ve (T 3 -6) – Cải thái (T 7 – 9)

  • Đậu tương (tháng 9 – 12) – Cải thái (tháng 12 – 3) – Mồng tơi (tháng 3 - 9)

  • Bí đỏ (tháng 3 – 10) – Cải thái, bắp cải (tháng 11 – 2)

  • Mồng tơi ( tháng 3 – 8) – Đậu đũa (tháng 9 – 12) – Cải mèo (tháng 1 – 2) 

Nguồn: trích từ Sổ tay Vườn rau dinh dưỡng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam