Bảo vệ tài nguyên nước  
Nguy cơ thiếu nước đặc biệt là nước ngọt và sạch là một hiểm họa lớn đối với sự tồn vong của con người cũng như toàn bộ sự sống trên trái đất. Nước là một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể thiếu đối với mọi hoạt động sống của cơ thể. Nước chiếm 60 – 70% trọng lượng cơ thể và là dung môi của hầu hết các chất chuyển hóa dưới dạng hòa tan trong nước, nước còn tham gia vào nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia bài tiết các chất độc ra khỏi cơ thể qua con đường nước tiểu, mồ hôi. Nước giúp điều hòa thân nhiệt, làm giảm độ quánh của máu, giúp cho quá trình tuần hoàn dễ dàng hơn. Nước rất cần thiết nhưng nguồn nước không phải là vô tận. Do vậy, các bạn cần phải nhanh chóng có biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quan trọng này.

       


1. Các nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt:

Hiện nay nguồn nước mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thường được lấy từ: Hệ thống cung cấp nước tập trung (nước máy), nước mưa, nước giếng khơi, nước máng lần, nước giếng khoan…


       

2. Các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước:]


Có rất nhiều loại tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Chúng có mặt trong nước thải sinh hoạt, nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, các bãi rác thải. Đó là:

  • Vi sinh vật (Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc).

  • Rác vô cơ (rác không tiêu hủy được bao gồm: bao bì nhựa, nilon, thủy tinh, mảnh sành sứ, kim loại, vỏ đồ hộp, săm lốp cao su…).

  • Rác hữu cơ (rác có thể tiêu hủy được như: Thức ăn thừa, lá bánh, rau quả, rơm rạ, xác súc vật, giấy loại…). Đây là thủ phạm gây nên hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm cho con người.

3. Các biện pháp bảo vệ nguồn nước:

3.1 Phòng, chống ô nhiễm nguồn nước:

Nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, giun sán, thậm chí cả ung thư. Chính vì vậy, để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, cần lưu ý những điểm sau:

  • Vệ sinh môi trường: Các bạn không được vứt rác bừa bãi nhất là ra ao, hồ, sông, suối, nên thu gom và phân loại rác thải. Không nên rửa rau, vo gạo, tắm giặt trong ao, hồ. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, vệ sinh chuồng trại, khu dân cư, thu gom và xử lý phân, nước tiểu, diệt ruồi, muỗi, gián, chuột ở nhà cũng như nơi công cộng. Người dân vùng lũ lụt, sau khi nước rút, phải nhanh chóng khử trùng nguồn nước bằng Cloramin, phèn chua, để phòng dịch bệnh. Không được đập phá đường ống dẫn nước tránh các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào nước sinh hoạt.

 







  • Vệ sinh thân thể: Các bạn nhrửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, thường xuyên vệ sinh cá nhân. Đây là một việc làm đơn giản nhưng nếu các bạn thực hiện một cách nghiêm túc cũng góp phần phòng được ô nhiễm nguồn nước.     



Ngoài ra, tùy theo từng loại nguồn nước khác nhau mà chúng ta có những hành động cụ thể:


  • Để có nước giếng sạch: Các giếng khai thác nước phải cách xa nhà vệ sinh, hệ thống xả thải, hệ thống xử lý nước thải từ 10m trở lên. không để các vật dụng dễ gây ô nhiễm như hóa chất, dầu nhớt, các chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật…gần khu vực giếng. Các giếng phải được xây bệ cao, có nắp đậy. Sân giếng lát gạch hoặc xi măng có rãnh thoát nước. Rãnh thoát nước có độ dốc vừa phải và dẫn ra xa hoặc đổ vào các hố thấm nước thải.Thường xuyên vệ sinh sàn giếng tránh trơn trượt, xét nghiệm nước, làm sạch nước bằng giàn mưa, bể lọc. Tại các hộ gia đình cần lọc nước, đun sôi nước trước khi sử dụng để hạn chế các bệnh lây qua nguồn nước.

  • Đối với nước mưa: Cần vệ sinh máng hứng, máng dẫn, bể chứa, loại bỏ nước của trận mưa đầu và 15 phút đầu của các trận mưa sau, bể hoặc lu chứa phải có nắp đậy, lắp vòi hoặc dùng gầu để lấy nước, gầu phải treo cao, nuôi cá vàng, cá cờ trong bể chứa để diệt bọ gậy. Không nên dùng nước mưa từ mái pro-xi măng.

  • Nước máng lần: Yêu cầu máng phải kín tránh lá cây bụi bẩn, phân súc vật rơi vào, không nên chăn thả gia súc ở đầu nguồn nước.

Mỗi chúng ta phải nhận thức được việc phòng và chống ô nhiễm nguồn nước là vô cùng cấp bách, do đó phải tìm hiểu và nắm vững các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Phát hiện và mạnh dạn tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên. Tham gia các phong trào kêu gọi toàn dân hành động vì mục đích bảo vệ tài nguyên và môi trường.


3.2 Sử dụng hợp lý

Tùy theo mục đích sử dụng để lựa chọn nguồn nước. Sử dụng nước cho ăn uống, sinh hoạt vệ sinh cá nhân, nên sử dụng nước sạch từ công ty cấp nước, nước giếng hoặc nước sông đã qua hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép. Sử dụng để tưới cây, vệ sinh chuồng trại nên tận dụng nước giếng, nước sông rạch hoặc nước thải đã được xử lý.

3.3 Sử dụng tiết kiệm

Từ khi còn nhỏ các bạn hãy tập thói quen tiết kiệm nước. Chỉ mở vòi nước khi cần sử dụng và chỉ mở mạnh vừa đủ dùng, phải khóa vòi nước cẩn thận sau khi sử dụng. Khi rửa tay, rửa mặt, đánh răng …nên hứng sẵn trong thau, ca, tránh để vòi chảy tự do. Khi rửa thức ăn, rửa bát đĩa và các vật dụng khác nên hứng nước vào chậu hoặc bồn labo vừa đủ dùng, nhằm tiết kiệm nguồn nước sử dụng đồng thời có thể giữ lại phần nước dư sau cùng dùng cho các mục đích khác. Thường xuyên kiểm tra và đề nghị sửa chữa ngay khi hỏng đường ống dẫn nước, hư khóa van nước. Không để nước rò rỉ lâu ngày. Các gia đình nên sử dụng vòi sen có nhiều tia phun nước mạnh sẽ giảm được lượng nước sử dụng. Ngâm đồ bẩn trước khi giặt, hạn chế giặt đồ làm nhiều lần trong ngày. Khi tưới cây, rửa xe, tắm rửa gia xúc, vệ sinh chuồng trại, phun làm mát… dùng vòi nước có gắn thêm nòng phun vừa đáp ứng được yêu cầu sử dụng, vừa tiết kiệm được nguồn nước sử dụng. Khuyến khích sáng tạo các hình thức sử dụng nước tiết kiệm nhưng vẫn đạt mục đích sử dụng.

Ý thức tự bảo vệ, giữ gìn vệ sinh nguồn nước của người dân chưa cao. Việc sử dụng nguồn nước còn nhiều hoang phí, chưa có ý thức tiết kiệm nước, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước và môi trường. Do đó, để có nguồn nước sử dụng lâu dài, bền vững chúng tôi xin chia sẻ với các bạn những thông tin trên, các bạn nên tuyên truyền để mọi người cùng có những biện pháp tích cực, bằng những hành động cụ thể hàng ngày nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước tốt hơn.

Bảo vệ tài nguyên nước là một vấn đề thời sự. Mọi người hãy chung tay, đồng lòng, để giữ gìn, bảo vệ nguồn nước – món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Sự nghiệp bảo vệ nguồn nước không chỉ để cho hiện tại mà còn cho thế hệ mai sau.

       

 BS. Lê Thị Loan - Viện Dinh dưỡng