Nấu cơm nên dùng nước nóng hay lạnh ?  
Để khẩu phần ăn có đủ vitamin B1, cần chú ý không nên xay xát gạo quá kỹ vì các vitamin nhóm B có nhiều ở lớp vỏ ngoài ngay sát hạt gạo. Cứ 100 gam gạo tẻ giã có 0,12 mg vitamin B1; 100 gam gạo tẻ máy vừa phải có 0,1 mg vitamin B (đáp ứng được 1/10 nhu cầu trong ngày của một người trưởng thành). 


Khi nấu cơm chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1 (có thể mất tới 60%). Nên đun nước sôi mới cho gạo vào nấu, không cho gạo vào khi nước còn nguội vì khi gặp nước sôi nóng đột ngột, lớp vỏ ngoài hạt gạo chín mau tạo thành một lớp keo giữ vitamin B1 không bị hòa tan ra nước và bị phân hủy.


Ngoài ra dùng nước đã sôi để nấu cơm tốt hơn, do nước máy thường chứa một lượng khí Clo nhất định, khí Clo sẽ phân hủy vitamin B1 của gạo trong quá trình nấu cơm. Mặt khác, nếu nấu bằng nồi cơm điện mà cho gạo vào từ lúc đầu khi nước nguội thì thời gian gạo chịu tác dụng của nhiệt độ cao để nấu sôi lượng nước lạnh kéo dài sẽ làm lượng vitamin B1 bị phá hủy bởi nhiệt độ cao nhiều hơn. Các nhà khoa học đã tính toán cho biết rằng, khi dùng nước lạnh để nấu cơm, lượng vitamin B1 bị mất đi tỷ lệ thuận với thời gian và nhiệt độ nấu, lượng vitamin B1 sẽ bị mất khoảng 30%. Lời khuyên là dùng nước sôi nấu cơm để ít bị hao hụt vitamin B1 và cơm ngon hơn, điều đó rất cần cho sức khỏe của mọi người. 

Nguồn: Viện Dinh dưỡng