Chuyên đề 13  

Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt



 Mục tiêu bài học:


 Sau bài học, học sinh nắm được:

  • Vai trò của i-ốt: I-ốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể và duy trì thân nhiệt, phát triển xương. Đặc biệt là có vai trò quan trọng trong quá trình biệt hoá và phát triển của não và hệ thần kinh ở thời kỳ bào thai.

  • Biết cách ăn uống hợp lý để phòng chống thiếu i-ôt, như ăn đa dạng thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm tự nhiên giàu i-ốt; sử dụng các thực phẩm có tăng cường i-ốt như muối i-ốt; bột canh i-ốt…

1. Vai trò của i-ốt đối với sức khỏe

I-ốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho phát triển của cơ thể, cần cho tổng hợp hóc môn tuyến giáp giúp duy trì thân nhiệt, phát triển xương, quá trình biệt hóa, phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai.

Thiếu i-ốt sẽ dẫn đến các rối loạn trong cơ thể như: thiếu hóc môn tuyến giáp dẫn đến các rối loạn khác nhau trong cơ thể như bướu cổ, thiểu năng trí tuệ, đần độn, cơ thể chậm phát triển, mệt mỏi, giảm khả năng lao động...

Khi cơ thể bị thiếu i-ốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ, khi bướu ngày càng có kích thước to thì có thể chèn ép đường thở, đường ăn uống gây ra các vấn đề ảnh hưởng cho sức khỏe.

Thiếu i-ốt trong thời kỳ niên thiếu gây ra bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị đần độn, liệt cứng hai chân. Trẻ bị thiếu i-ốt khó có thể đạt kết quả tốt trong học tập.

                                                         
                                                               Hình ảnh một bạn học sinh bị bướu cổ


2. 
Phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt

Các rối loạn do thiếu i-ốt kể cả bệnh đần độn hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách:

  • Ăn đa dạng thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu i-ốt, như các loại hải sản, tảo. Trong thực phẩm, lượng i-ốt thay đổi tùy theo vùng vì phụ thuộc lượng i-ốt có trong đất, nước. Những thức ăn từ biển (cá, hải sản, cá loại rong, tảo biển) là nguồn thức ăn giàu i-ốt. Nếu ăn cá biển 1 – 2 bữa mỗi tuần thì sẽ đủ cung cấp lượng i-ốt hàng ngày là 150 mcg đủ để phòng thiếu i-ốt trong hoàn cảnh bình thường. Nếu được bổ sung i-ốt trong sản xuất và chăn nuôi thì các loại rau, thịt, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là nguồn cung cấp i-ốt đáng kể.


                                                   

  • Bổ sung một lượng i-ốt rất nhỏ vào bữa ăn hàng ngày: đó là muối hoặc bột canh có bổ sung i-ốt. Sử dụng muối i-ốt hoặc bột canh có trộn i-ốt trong chế biến thức ăn hàng ngày. Hiện nay ở nước ta, chính phủ đã quy định các loại muối ăn đều được tăng cường bổ sung i-ốt.


3. Cách sử dụng muối i-ốt tại gia đình như thế nào

  • Muối i-ốt được sử dụng như muối thông thường, do đó muối i-ốt được khuyến cáo sử dụng thay cho muối thông thường.

  • Cần bảo quản muối i-ốt nơi khô ráo. Bảo quản trong lọ kín có nắp đậy hoặc túi nilon. Dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô xong lại dùng tiếp đợt khác hoặc buộc kín túi sau khi sử dụng.

  • Không rang muối i-ốt hoặc để muối i-ốt gần bếp lửa hoặc nguồn nóng.

  • Muối i-ốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn mà hoàn toàn như muối thường. Lượng i-ốt  được trộn vào muối an toàn cho cả người không thiếu iốt.

  • Ngoài muối i-ốt, người ta còn có các sản phẩm khác được trộn thêm i-ốt, có thể dùng thay thế, như bột canh có trong i-ốt. Các em cũng cần chú ý là sử dụng muối i-ốt hoặc bột canh có bổ sung i-ốt ở mức độ an toàn theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng (là tiêu thụ không quá 4 gam muối trong 1 ngày cho 1 bạn học sinh trong độ tuổi 6-11 tuổi); không ăn mặn để phòng ngừa các bệnh về huyết áp, tim mạch, thận.