Một số vấn đề dinh dưỡng thường gặp ở học sinh  

1. Tình trạng dinh dưỡng của học sinh

Trẻ em là tương lai của đất nước. Sự phát triển toàn diện của trẻ em cả về trí tuệ và thể chất phản ánh tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia và đây cũng chính là mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, an ninh lương thực quốc gia được cải thiện, kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân đã được nâng lên, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe trẻ em.

Trong nhiều năm qua, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đã được cải thiện rõ rệt đặc biệt là từ khi Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2001 – 2010 được triển khai trên toàn quốc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/ tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm đều hàng năm, tính chung cả nước mỗi năm trung bình giảm khoảng 1,5%, từ 31,9% năm 2001 còn 16,2% năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn 20/ 63 tỉnh thành có mức suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi trên 20% là mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tương tự như suy dinh dưỡng t hể nhẹ cân, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/ tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể từ 43,3% năm 2000 xuống còn 26,7% vào năm 2012. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trên phạm vi toàn cầu.

Theo kết quả của Tổng điều tra năm 2010, với trẻ từ 5 đến 19 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 24,2% và suy dinh dưỡng thể thấp còi là 23,4%, trong khi đó có 8,5% trẻ bị thừa cân và béo phì (2,5% trẻ bị béo phì). Suy dinh dưỡng ở trẻ em từ 5 đến 19 tuổi trên 20% là mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài ra, có sự chênh lệch khá lớn về tình trạng dinh dưỡng giữa các vùng miền. Suy dinh dưỡng ở trẻ em tuổi học đường ở vùng nông thôn, miền núi cao hơn ở vùng đô thị, đồng bằng. Thừa cân, béo phì ở trẻ tuổi học đường ở vùng đô thị, đồng bằng cao hơn vùng nông thôn, miền núi.

Về tình trạng thiếu máu cho thấy có 29,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu, 14,2% trẻ em bị thiếu vitamin A thể tiền lâm sàng (2009
  - 2010). Tuy tỷ lệ bướu cổ ở học sinh đã giảm xuống rõ rệt từ 22,4% năm 1993 xuống còn 3,6% năm 2005, nhưng tỷ lệ thiếu hụt i-ốt vẫn cao tương ứng là 22,9% và 5% ở mức trung bình và nặng.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo các cuộc điều tra dinh dưỡng do Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân lần lượt là 3,5% và 4,0% ở học sinh tiểu học, 6,6% và 7,4% ở học sinh trung học cơ sở, 10,7% và 7,7% ở học sinh trung học phổ thông (20090 giảm đáng keer so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh. Chỉ trong vòng 7 năm (từ 2002 -
  2009) tỷ lệ thừa cân – béo phì đã tăng gấp 2 – 3 lần ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở, tương ứng là 38,5% và 22,5% năm 2009 so với 19,8% và 8,1% năm 2002. Đối với học sinh trung học phổ thông thì thừa cân – béo phì đã tăng gần 2 lần trong vòng 5 năm tương ứng 11,7% năm 2009 so với 6,5% năm 2004. Về tình trạng thiếu máu ở học sinh cho thấy có 8% học sinh trung học cơ sở bị thiếu máu, tỷ lệ này ở học sinh phổ thông là 15,2%, thiếu máu ở học sinh nữ là 20,9% cao gấp đôi so với học sinh nam là 8,9%. Tỷ lệ thiếu hụt i-ốt trong học sinh vẫn chưa cải thiện, nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh có 58,3% học sinh thiếu hụt iod.


Mức đáp ứng nhu cầu các vi chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng và học tập của các em như vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin A, vitamin D, các khoáng chất như calci, phosphor, iod, sắt, kẽm đếu thấp hơn khuyến nghị.

Các số liệu trên cho thấy mức gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ em tuổi học đường đang đè nặng trên vai của cả xã hội chứ không riêng ngành y tế và giáo dục. Chúng ta cùng một lúc phải giải quyết cả suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng lẫn thừa cân – béo phì và một số bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng.

2. Thói quen ăn uống của học sinh

Những tác động của quá trình toàn cầu hóa, sự đa dạng phong phú các loại thực phẩm chế biến sẵn, các chiến dịch quảng cáo tiếp thị của các công ty sản xuất thực phẩm cùng với tâm lý muốn tìm hiểu, trải nghiệm và đến tuổi đã đủ năng lực để độc lập trong ăn uống, vui chơi, giải trí là những yếu tổ tác động chính khiến thói quen ăn uống của học sinh có một số điểm thay đổi cần lưu ý:

  • Xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn ít có lợi cho sức khỏe (snack, mì gói, gà rán, hambuger, kẹo…).

  • Xu hướng uống nhiều nước ngọt có ga, nước tăng lực.



    Xu hướng uống nước ngọt, nước có gas đang ngày càng gia tăng

  • Xu hướng ăn quà vặt, ăn hàng rong không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (trái cây ngâm nước màu, đường hóa học, bánh tráng trộn…).

  • Xu hướng ăn khẩu phần ăn quá lớn.

  • Xu hướng ăn nhiều chất đạm (chủ yếu là thịt) so với nhu cầu.

  • Xu hướng ăn ít rau, trái cây.

  • Ăn chưa đủ nhu cầu về sữa và sản phẩm từ sữa.

  • Xu hướng bỏ ăn sáng hoặc ăn sáng qua loa, ăn rất no vào buổi chiều tối, ăn không đúng giờ giấc.


Những thay đổi trong thói quen ăn uống này là một trong các nguyên nhân của các rối loạn dinh dưỡng trong trẻ em tuổi học đường. Việc hướng các em xây dựng và duy trì thói quen lành mạnh trong ăn uống là điều quan trọng trong các can thiệp nâng cao sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.

3. Kiến thức và thực hành dinh dưỡng của học sinh.

Kiến thức về dinh dưỡng của các em học sinh có thể đến từ cha mẹ, người thân, sách giáo khoa, trong trường học, các phương tiện truyền thông đại chúng.

Khối lượng kiến thức về dinh dưỡng trong sách vở tuy nhiều nhưng chưa được chắt lọc để phù hợp với khả năng tiếp nhận của các em, hiểu biết về dinh dưỡng thực phẩm chưa hoàn toàn gắn liền với các kiến thức đó trong đời sống thường ngày. Đây cũng là nguồn gốc ảnh hưởng đến kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý của các em học sinh.

Việc căn-tin trong trường học bày bán nhiều thực phẩm không có lợi cho sức khỏe (snack, nước ngọt, bánh ngọt, kẹo…) ít thực phẩm có lợi cho sức khỏe (quả chín/ trái cây tươi, nước trái cây tươi, sữa, sữa chua…) cũng góp phần ảnh hưởng đến quá trình thực hành dinh dưỡng tốt cho các em học sinh.


Nguồn: trích từ cuốn Dinh dưỡng hợp lý trong trường học - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - 2018