Tại sao nên vận động mỗi ngày  

Vai trò tích cực giúp cho cơ thể vận động được là các cơ. Cơ chiếm từ 40 – đến 45 % trọng lượng cơ thể. Cơ phát triển chứng tỏ là thể lực phát triển tốt và trong nhiều trường hợp cũng chứng tỏ là sức khỏe của con người cũng tốt.

Khi cơ làm việc nhu cầu các chất dinh dưỡng và ô xy tăng lên. Đồng thời các chất thải bỏ cũng tăng lên. Cơ hoạt động ảnh hưởng trước hết đến hoạt động của hệ tim mạch. Trong khi cơ làm việc số lượng các vi huyết quản làm việc cũng tăng lên. Bình thường ở cơ chỉ có chừng 10% các vi huyết quản hoạt động nhưng khi cơ làm việc thì lượng vi huyết quản hoạt động có thể lên tới 100% nghĩa là tăng lên 10 lần.

Ở trạng thái nghỉ, chỉ có chừng 55 – 75% máu lưu chuyển, khi cơ hoạt động lượng máu lưu chuyển tăng lên nhiều. Cơ hoạt động được tiếp tế nhiều máu do đó được nuôi dưỡng tốt hơn, khối lượng cơ cũng tăng, sức mạnh cũng tăng, sức co sức bật cũng đều tăng lên. Trong quá trình tập luyện các động tác thừa mất đi, sự phối hợp các động tác cũng thuần thục hơn, tiết kiệm hơn. Cơ thể phát triển của vận động viên là kết quả của sự tập luyện có hệ thống và phát triển toàn diện các cơ.

Đối với người được tập luyện và quen lao động thì trước một công việc nặng trái tim phản ứng bằng cách tăng sức co bóp là chủ yếu và thứ yếu là tăng số lần đập. Hơn nữa sau lao động, tập luyện thì số lần tim đập mau chóng trở lại bình thường. Đối với người không quen luyện tập thì tim phản ứng chủ yếu bằng tăng số lần đập, tuy nhiên tim không thể nào đập nhanh kéo dài được và người ta rất chóng mệt. Người ta có thể đo co bóp của tim bằng đếm mạch. Mạch của nam bình thường mỗi phút từ 70 – 75 và ở nữ 75 – 80. Người tập luyện quen mạch bình thường giảm thấp còn từ 60 – 65.

Nếu tập luyện không đúng phương pháp hoặc tập quá sức thì sẽ có những thay đổi rõ rệt ở tim mạch: mạch nhanh, huyết áp tối đa và tối thiểu tăng. Do đó trường hợp lao động quá sức có thể gây ra suy tim đột ngột đồng thời ảnh hưởng rõ rệt, đến năng suất tập luyện: chóng mệt, có khi không muốn tập, ăn ngủ không tốt, sút cân, tâm tư bực bội, khi nghỉ sức khỏe phục hồi chậm.

Người ta không thể sống được nếu không có sự hô hấp nghĩa là không có sự hấp thu ô xy không khí và sự thải bỏ khí cacbonic. Tùy theo nhu cầu của cơ thể, sự hô hấp có thể tăng lên hoặc giảm xuống. Bình thường một phút người ta thở vào và thở ra từ 16 đến 20 lần.

Khi lao động tập luyện thì các cơ yêu cầu nhiều ô xy hơn, bộ máy hô hấp phải tăng nhịp thở và thở sâu do đó bình thường mỗi phút sự thông khí ở phổi là 6 – 8 lit nhưng khi lao động nặng thì mỗi phút sự thông khí ở phổi lên tới 120 – 130 lít. Khi người ta tập luyện có hệ thống thì quá trình thở cũng được hoàn chỉnh hơn. Sự hoàn chỉnh này dựa vào thở sâu, còn số lần thở chỉ tăng lên rất ít do đó mà tiết kiệm được sức, giúp cho cơ thể được khỏe mạnh và có sức chịu đựng cao.

Tập luyện thể dục đúng phương pháp sẽ có ảnh hưởng tốt đến toàn bộ cơ thể, tăng cường và hoàn chỉnh hoạt động của tất cả các cơ quan kể cả hệ thần kinh. Điều tra ở những vận động viên rèn luyện đúng phương pháp có tới trên 50% vận động viên mạch đập không đến 60 lần trong một phút, huyết áp 105 – 110 mm Hg, tần số hô hấp không quá 9 – 12 lần trong một phút (trung bình ở người thường là 16), kết quả trên là do các cơ quan của người được rèn luyện hoạt động phối hợp chặt chẽ và tiết kiệm hơn.


Nhiều công trình nghiên cứu về sinh lý lao động đã chứng minh là rèn luyện thể dục đã ảnh hưởng sâu sắc đến cơ cấu của toàn cơ thể. Các tổ chức mỡ tiêu đi và cơ phát triển mạnh. Xương dầy hơn, chắc hơn. Chiều dài của xương cũng tăng giúp người ta cao lên. Người khỏe hơn, nhanh hơn, sức chịu đựng cao hơn, cảm giác nhạy hơn, động tác chính xác hơn, sự phối hợp các động tác cũng thành thạo và tiết kiệm hơn, với tâm lý thoải mái và tự tin hơn.

Thể dục còn giúp cho sự phối hợp thần kinh, tim mạch, hô hấp và tiêu hóa tốt. Nhờ đó các cơ được nuôi dưỡng tốt phát triển nở nang, rắn chắc, khả năng lao động cũng như sức chống đỡ lại các bệnh tật cũng được tăng lên.
Thể dục phát triển các đức tính tốt: quyết tâm, kiên trì, cương quyết, dũng cảm, tập thể và kỷ luật. Thể dục còn giúp cho cơ thể giữ được dáng nhanh nhẹn, thanh tú, của tuổi trẻ và con người khỏe mạnh đó sẽ luôn luôn có lòng tự tin và yêu đời. 

Kết quả cuối cùng của rèn luyện thể dục là kéo dài được đời sống hoạt động và sáng tạo của con người.

HÃY RÈN LUYỆN MỖI NGÀY CÁC MỌI NGƯỜI NHÉ!

GS. Từ Giấy