Giúp mẹ lên thực đơn giảm béo phì cho trẻ  
Béo phì ở trẻ đang là một vấn nạn không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ béo phì ở trẻ 6 - 11 tuổi ở nội thành TP.HCM hiện đã là 12%, Hà Nội là 8 - 9%. Trẻ em thừa cân sẽ có nhiều nguy cơ trở thành người lớn béo phì. Căn bệnh này còn mang đến một tương lai nhiều bệnh tật và hệ lụy xấu khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng trên cho bé.

Nguyên nhân dẫn đến béo phì

Cho con ăn uống thỏa thích, không kiểm soát các bữa ăn, thường xuyên ăn thức ăn nhanh chế biến sẵn rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ. Mặt khác, thay đổi chế độ và thói quen ăn uống cũng là nguyên nhân dẫn đến béo phì. Chế độ ăn nhiều thức ăn động vật, đặc biệt là thịt có nhiều axit béo no sẽ làm tăng lượng cholesterol và tăng tỷ lệ năng lượng của khẩu phần do chất béo và chất đạm cung cấp. Thói quen ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước ngọt, thói quen ăn uống ngoài gia đình, tăng tiêu thụ các loại thức ăn nhanh cũng là những yếu tố nguy cơ làm tăng thừa cân béo phì.

Xây dựng chế độ ăn hợp lý - chìa khóa quan trọng nhất giảm thiểu nguy cơ béo phì

Cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để tránh tăng cân không lành mạnh. Trẻ em có một chế độ ăn hợp lý không chỉ phòng ngừa được tình trạng béo phì mà còn có tác dụng thúc đẩy phát triển chiều cao.

Một chế độ ăn hợp lý có nghĩa là:
 cân đối đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất, không ăn quá nhiều chất ngọt, chất béo, những thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng, chất đạm ăn ở mức vừa phải, ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt, hạn chế các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, các loại nước ngọt sản xuất công nghiệp.


Chú trọng vào hoa quả, rau xanh: hoa quả, rau xanh mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con người, nhất là với trẻ nhỏ. Chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển cả về thể lực cũng như trí lực của trẻ. Trẻ em thường thích nhiều màu sắc, hương vị, đa dạng về dinh dưỡng và món ăn phải lạ miệng nên rau củ quả rất phù hợp với yêu cầu này. Cha mẹ nên cho bé ăn chung với gia đình để các thành viên thêm gắn bó và giúp bé ăn được nhiều hơn.

Làm quen với healthy food: Healthy food (đồ ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe) đang trở thành một thuật ngữ phổ biến dành cho giới trẻ, đặc biệt đối với những bạn có nhu cầu giảm cân. Và khái niệm này cũng đúng đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mức độ, liều lượng và chủng loại healthy food dành cho con trẻ sẽ khác so với người lớn. Cha mẹ nên chọn nguồn chất đạm tươi sạch nhất, bổ sung chất béo có lợi cho cơ thể trong mỗi phần ăn (dầu ôliu loại tinh khiết, trái cây sấy khô, các loại hạt, lòng đỏ trứng gà và quả bơ), chú trọng thực phẩm giàu canxi hay lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì các sản phẩm tinh chế... Bên cạnh đó, sữa tươi không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo và giàu canxi là lựa chọn tối ưu cho trẻ.

Hạn chế đồ ăn nhanh: Trẻ rất thích ăn pizza cũng như những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ khác như gà rán, khoai tây chiên... Không thể phủ nhận được sự tiện lợi của đồ ăn nhanh nhưng đi kèm theo đó là hàng loạt tác hại không mong muốn có thể đến với trẻ, đặc biệt là béo phì. Chất béo được dùng để rán thức ăn nhanh sẽ tích tụ dần trong cơ thể, dẫn đến thừa cân và sau đó là chứng béo phì.

Giúp mẹ lên thực đơn giảm béo phì cho trẻCần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ để phòng tránh béo phì.


Nhiều chuyên gia sức khỏe đều khuyên các bậc phụ huynh nên đảm bảo một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng cho con em mình. Ở độ tuổi trẻ đi lớp, cha mẹ cũng cần tìm hiểu thực đơn bữa trưa hằng ngày ở trường xem có đảm bảo chất lượng và vệ sinh hay không. Đồng thời, trẻ chỉ cần ăn tối nhẹ nhàng để có thể ngủ ngon và không bị tích lũy chất thừa trong cơ thể.

Tăng cường hoạt động thể chất

Ngoài chế độ ăn uống, vấn đề hoạt động thể lực, tăng cường vận động tập thể dục thể thao cũng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì. Đối với trẻ em, năng vận động không những tiêu hao năng lượng dư thừa tránh tăng cân quá mức mà vận động còn có tác dụng thúc đẩy chiều cao ở trẻ.Cha mẹ cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp trẻ hoạt động thể chất, giảm lượng calo dư thừa tích tụ lại thành mỡ.

Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao vài niềm đam mê và thích thú là chìa khóa dẫn đến sự thành công cho các chương trình rèn luyện thể thao. Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động.

Chú trọng những sở thích của trẻ tham gia các môn thể thao gần gũi với cuộc sống như: khuyến khích trẻ đi bộ đến trường, động viên trẻ chơi các môn thể thao như: đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu, leo cầu thang...

Nên hướng dẫn trẻ làm các công việc nhà: lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc...

Hạn chế ngồi xem tivi, trò chơi điện tử... Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa, chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.

Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống 

Hiện trạng trẻ em bị béo phì gia tăng là do sự thiếu quan tâm chăm sóc hoặc thiếu kiến thức dinh dưỡng của các bậc cha mẹ. Nhiều người ép con ăn nhiều, ăn thừa chất và cho rằng trẻ béo mới khỏe mạnh là những sai lầm cần phải tránh.