Thừa cân - Béo phì  

 Thừa cân - Béo phì 

Mục tiêu bài học:

Sau bài học, học sinh nắm được:


  • Thế nào là Thừa cân, Béo phì
  • Biết được các mức độ cân bằng năng lượng
  • Biết cách sử dụng phần mềm trên trang web để tự tính chỉ số Khối cơ thể (BMI), qua đó đánh giá tình trạng dinh dưỡng của mình và cho bạn bè.
  • Biết các nguyên nhân và tác hại của Thừa cân, béo phì
  • Biết một số biện pháp để phòng chống Thừa cân, béo phì


1. Khái niệm chung

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa thừa cân, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân gây nguy hại tới sức khỏe.

Nhìn chung, bệnh thừa cân và béo phì thể hiện trọng lượng cơ thể cao hơn trọng lượng chuẩn ở một người khỏe mạnh. Bệnh béo phì là bệnh mãn tính do sự dư thừa quá mức của lượng mỡ trong cơ thể. Trong cơ thể chúng ta luôn có một lượng mỡ nhất định và lượng mỡ này cần thiết để lưu trữ năng lượng, giữ nhiệt, hấp thụ những chấn động và thể hiện các chức năng khác.

Bệnh thừa cân, béo phì được phân loại bằng cách sử dụng chỉ số khối cơ thể BMI.

Chỉ số khối cơ thể được tính dựa trên chiều cao và trọng lượng cơ thể. Chỉ số khối cơ thể (BMI) sẽ được tính theo công thức: trọng lượng cơ thể của 1 người (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Do chỉ số BMI mô tả trọng lượng cơ thể trong tương quan với chiều cao nên sẽ liên quan chặt chẽ đến tổng số lượng mỡ trong cơ thể ở người trưởng thành.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành có chỉ số BMI trong khoảng 25 – 29,9 được xem là thừa cân, và một người trưởng thành có chỉ số BMI > = 30 được xem là béo phì.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trừ người có thai, nếu BMI: 

       Dưới 18.5 là thiếu cân, thiếu năng lượng trường diễn

       Từ 18.5 đến 24.99 là bình thường

       Từ 25 đến 29.99 là thừa cân

       >= 30 là béo phì

Bảng 1: Đánh giá tình trạng dinh dưỡng dựa vào Chỉ số khối cơ thể (BMI) theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chuẩn dành riêng cho người châu Á ( IDI&WPRO)

Người Việt Nam chúng ta nên sử dụng tiêu chuẩn của người châu Á để phân loại Thừa cân, Béo phì. 

2. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của các bạn học sinh bằng chỉ số BMI

Các bạn có thể tự tính chỉ số BMI của mình. Chỉ số BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét). Kết quả chỉ số BMI này được so sánh đối chiếu với 1 bảng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ 5-19 tuổi, dựa vào bảng này, chúng ta sẽ đánh giá được tình trạng dinh dưỡng của một bạn học sinh là Suy dinh dưỡng; Bình thường; Thừa cân hay Béo phì?

Bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng dựa vào chỉ số BMI là khác nhau giữa Nam và Nữ. Các bạn tham khảo 2 bảng sau đây nhé:


Chúng ta cùng ôn lại cách phân loại tình trạng dinh dưỡng học sinh (5-19 tuổi) dựa vào chỉ số BMI nhé: Khi các bạn tính được chỉ số BMI của mình rồi, bạn tra bảng xem giá trị BMI của bạn nằm ở cột nào tương ứng với tuổi và giới (nam hay nữ) của bạn. Tình trạng dinh dưỡng của bạn là: 

  • Thừa cân, nếu giá trị BMI của bạn nằm ở bên tay phải của cột 1 SD (tức là BMI >+1SD, tương đương với mức BMI = 25 kg/m2 ở nhóm 19 tuổi)

  • Béo phì, nếu giá trị BMI của bạn nằm ở bên tay phải của cột 2 SD (tức là BMI >+2SD, tương đương với mức BMI = 30 kg/m2 ở nhóm 19 tuổi)

  • Bình thường, nếu giá trị BMI của bạn nằm ở từ cột -2 SD đến cột 1 SD (tức là -2 SD < BMI < +1 SD)

  • Gầy, nếu giá trị BMI của bạn nằm ở bên tay trái của cột -2 SD (tức là BMI < -2 SD)

  • Rất gầy, nếu giá trị BMI của bạn nằm ở bên tay trái của cột -3 SD (tức là BMI < -3 SD)



Như vậy
, Thừa cân là tình trạng cân nặng cơ thể của bạn vượt quá ngưỡng so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới quy định cho một bạn có cùng độ tuổi, chiều cao và giới với bạn (vượt quá ngưỡng +1 SD trong bảng tiêu chuẩn phân loại trên).

B
éo phì là tình trạng Thừa cân ở mức độ nhiều hơn (vượt quá ngưỡng +2 SD trong bảng tiêu chuẩn phân loại nói trên)

Nguyên nhân của béo phì có thể có nhiều, nhưng chủ yếu là do chế độ ăn uống và hoạt động thể lực không phù hợp.

3. Các mức độ cân bằng Năng lượng
 1. Năng lượng ăn vào = Năng lượng tiêu hao
Nếu năng lượng ăn vào đầy đủ so với nhu cầu theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý, hoạt động thể lực phù hợp… thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, phát triển bình thường
2. Năng lượng ăn vào > Năng lượng tiêu hao
Hậu quả là Thừa cân, béo phì
3. Năng lượng ăn vào < Năng lượng tiêu hao
Hậu quả là gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển
 

4. Hậu quả của Thừa cân, Béo phì

Hậu quả của thừa cân, béo phì đối với sức khỏe là rất lớn, cả trước mắt và về lâu dài sau này:

       Tăng tỷ lệ mắc bệnh

       Nguy cơ mắc bệnh Tim mạch, Tiểu đường

       Ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp.

       Ảnh hưởng về mặt tâm lí, xã hội (mặc cảm, xấu hổ)

       Giảm hiệu suất lao động, học tập.

Một bạn học sinh mà bị thừa cân, béo phì thường hay có mặc cảm về hình thức của mình. Hơn nữa, cân nặng nhiều hơn mức bình thường cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể chất. Vì thế, điều chỉnh chế độ ăn uống và hoạt động thể lực phù hợp là hết sức cần thiết, giúp cho bạn phát triển thể lực tốt hơn, phòng tránh các bệnh mạn tính sau này.

Mục tiêu điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ em khác với người trưởng thành, ngoài việc tập trung vào ngăn ngừa tăng cân bằng chế độ ăn uống hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, còn cần phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để bảo đảm cho sự lớn lên và phát triển của đứa trẻ, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, kẽm ...     



5. Phòng  chống Thừa cân, Béo phì


Để phòng chống thừa cân, béo phì các bạn nên thực hiện những việc sau:

  • Nên ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn cá, hải sản. 

  • Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.

  • Nếu uống sữa nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.

  • Chế biến thức ăn: Hạn chế các món rán, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho.

  • Nên nhai kỹ và ăn chậm.

  • Ăn đều đặn, đúng giờ, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói sẽ , trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn.

  • Nên ăn nhiều vào bữa sáng để tránh ăn vặt ở trường, tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (vì thường nhiều chất béo độc hại), giảm ăn về chiều và tối.

  • Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.

  • Không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem.

  • Không nên dự trữ sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolate, kem, nước ngọt trong nhà

  • Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.

  • Tăng cường các hoạt động thể lực. Bên cạnh điều trị bằng chế độ ăn, việc tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ tiêu hao năng lượng, phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.

Các biện pháp giúp bạn tăng cường vận động:

  • Tạo niềm thích thú đối với các hoạt động thể thao. Hạn chế ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử... 

  • Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động. Chú trọng những sở thích của trẻ tham gia các môn thể thao dễ dàng gần gũi với cuộc sống như: đi bộ đến trường, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu lông, đá cầu, leo cầu thang... Nên hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà: Lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc... Ngoài giờ học trên lớp, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.



Giáo án Tham khảo (Dành cho giáo viên)