Lựa chọn thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng  
 Lựa chọn thực phẩm an toàn và
giàu dinh dưỡng


Mục tiêu bài học:

Sau bài học, học sinh nắm được:
  • Cách lựa chọn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng
  • Cách sử dụng các loại dụng cụ bao gói, chứa đựng thức ăn an toàn, hợp vệ sinh
  • Cách bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn để không làm hao hụt các chất dinh dưỡng

I. Lựa chọn thực phẩm

Bây giờ với danh sách hàng hóa cần mua trong tay, bạn đã sẵn sàng mua các món đồ mình cần. Để mua được những thực phẩm đáng giá đồng tiền, bạn hãy chọn các mặt hàng chất lượng giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền của mình.
 
Dưới đây là danh sách một số mặt hàng thực phẩm thông thường và một số mẹo lựa chọn thông minh.


1. Gạo – Chọn gạo màu nâu hoặc chưa được làm bóng, thay vì chọn gạo trắng.


2. Bánh mỳ – Chọn các sản phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

3. Ngũ cốc – Chọn ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng.
                              
4.
Trái cây và rau xanh Mua đa dạng các loại rau quả với nhiều màu sắc khác nhau cho mỗi ngày.

5. Bánh quy – Chọn bánh quy hoặc những loại bánh làm từ bột yến mạch, các loại hạt/ nho khô thay vì mua loại bánh ngọt phủ nhiều kem.

6. Sữa – Mua sữa tươi nguyên kem sữa chua, phô mai cho con của bạn vì sữa đặc có đường không thể thay thế cho sữa.

7. Thịt – Chọn thịt nạc tươi ngon nhiều hơn các loại thịt chế biến/ đóng hộp.

8. Thực phẩm chế biến – Chọn loại thực phẩm có hàm lượng đường, muối và chất béo thấp.

                         

9. Chọn  thịt tươi
- Nhìn miếng thịt thấy: màng ngoài khô không bị ướt, thịt có thớ mịn đều, không có xuất huyết, không có các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt săn, màu sắc bình thường, mùi đặc trưng của thịt, không có mùi lạ, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay. Nếu thịt ướp hàn the hoặc urê khi sờ vào thịt có cảm giác không còn mềm mại và độ dẻo dính của thịt tươi.

10. Chọn cá tươi - Cá còn bơi hoặc nếu các mới chết thì thân cá còn co cứng khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống, mắt trong suốt giác mạc đàn hồi, miệng ngậm cứng, mang màu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế, vây tươi óng ánh, dính chặt vào thân, bụng không trướng, hậu môn thụt sâu màu trắng nhạt, thịt rắn chắc, có đàn hồi, dính chặt vào xương sống.

11. Chọn trứng có chất lượng tốt

Soi trên nguồn ánh sáng: Nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ để hở hai đầu mắt nhìn vào trứng ở 1 đầu, đầu kia soi trên 1 nguồn sáng nếu trứng tươi soi thấy màu hồng và trong suốt với một chấm hồng ở giữa túi khí có đường kính không quá 1cm, đường bao quanh cố định.

Thả trứng vào dung dịch nước muối 10% trứng chìm xuống đáy là trứng mới đẻ trong ngày, trứng lơ lửng là trứng đẻ được 3 – 5 ngày, trứng nổi là trứng đẻ quá 5 ngày.

Lắc trứng: cầm trứng giữa 2 ngón trỏ và ngón cái lắc khẽ, trứng mới lắc không kêu, trứng càng để lâu càng kêu.


12. Chọn rau quả tươi: Không dập nát, không úa héo. Màu tự nhiên: Rau không xanh đậm quá, quả không đỏ hoặc vàng quá. Với khoai tây đã mọc mầm hoặc sau khi gọt vỏ thịt khoai màu xanh cần cắt bỏ chỗ màu xanh. Hiện nay rau quả trên thị trường thường chứa nhiều chất bảo vệ thực vật. Để làm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trên rau, củ, quả trước khi chế biến cần rửa sạch rau, củ, quả bằng nước sạch nhiều lần (ít nhất 3 lần), tốt nhất rửa dưới vòi nước chảy, sau đó ngâm trong nước sạch 15 phút trước khi chế biến (nếu có thể thì gọt bỏ vỏ).

                                    
13. Chọn thực phẩm đóng hộp

  • Thực phẩm đầy đủ nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, có đăng ký chất lượng sản phẩm.

  • Hộp phải sáng bóng không gỉ, kín không phồng, không bị móp méo, biến dạng.
  • Đối với các thực phẩm có nhuộm màu: Rất khó phân biệt sản phẩm nhuộm màu công nghiệp và phẩm màu thực phẩm. Chỉ nên cho trẻ ăn thực phẩm nhuộm màu có nguồn gốc rõ ràng, đã đăng ký chất lượng và được kiểm nghiệm của cơ quan y tế ghi trên nhãn mác.

  • Tuyệt đối không cho trẻ ăn loại thức ăn đã biết trẻ có tiền sử bị dị ứng với loại thức ăn đó.

II. Lựa chọn dụng cụ chứa đựng và chế biến thực phẩm an toàn

1. Dụng cụ chứa thực phẩm

  • Cần làm từ các vật liệu không có khả năng phân hủy các chất độc hại vào thực phẩm, bề mặt nhẵn, không sứt mẻ, dễ làm sạch, khử trùng, không bị ảnh hưởng bởi các chất tẩy rửa và các chất khử trùng.

  • Cấm dùng các dụng cụ sản xuất từ đồng, kẽm, sắt hoặc hợp kim có chứa > 9,5% chì; 0,03% asen.

  • Không nên đựng thực phẩm có mỡ, dầu, mặn trong các túi, ca nhựa để tránh các chất có hại ngấm vào thực phẩm gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.

  • Không nên dùng giấy báo để gói thực phẩm do trong thành phần mực in có chứa một số kim loại nặng, trong đó thành phần chủ yếu là chì (Pb), ngoài ra nguyên liệu sản xuất giấy báo cũng dễ bị ô nhiễm, các chất độc hại từ môi trường.

  • Dùng 2 loại thớt để thái thịt sống và thịt chín riêng.

  • Dụng cụ ăn uống cần được rửa sạch và tiệt khuẩn bằng phương pháp thích hợp trước khi đựng thức ăn


2. Chế biến thức ăn an toàn, không hao hụt các chất dinh dưỡng

  • Trong quá trình chế biến nên lưu ý: Rau nên nhặt sạch, rửa kỹ rồi mới thái và nấu ngay. Lúc nấu nên đun sôi nước rồi mới thả rau như vậy sẽ hạn chế lượng vitamin C bị hao hụt, nấu xong nên ăn ngay.

  • Cần phối hợp nhiều loại rau trong một món: Thí dụ xào thịt bò với su hào, súp lơ, cà rốt, đậu Hà Lan, nấm, cần tây, tỏi tây…, nấu canh cua với mướp, mồng tơi, rau đay, như vậy vừa tạo cảm giác ngon miệng lại cung cấp đồng thời nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể thêm khỏe mạnh.

  • Không dùng dầu ăn cũ: Dầu ăn nên sử dụng một lượng vừa đủ, tránh để dầu ăn còn thừa trong chảo rán từ hôm này qua hôm khác để chế biến thức ăn. Ở cổng trường đôi khi có các hàng quà bánh, bán bánh rán, quẩy rán hoặc nem rán...họ sử dụng một chảo mỡ hoặc dầu ăn từ ngày này sang ngày khác, chảo mỡ hoặc dầu ăn đó có màu đen xỉn, cháy...như vậy rất có hại cho sức khỏe.

  • Vo gạo: không nên vo kỹ quá, sẽ mất đi lượng vitamin, nhất là các vitamin tan trong nước (như các vitamin nhóm B).

3. Sử dụng và Bảo quản thực phẩm an toàn

  • Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín, che đậy cẩn thận thức ăn đã nấu chín để chống loài gậm nhấm như ruồi, gián, kiến và các loài động vật khác gây nguy hiểm và nhiễm bẩn.

  • Nên ăn ngay khi thức ăn vừa nấu xong. Không nên ăn thức ăn sau khi chế biến quá 2 giờ. Thức ăn còn thừa muốn giữ lại phải bảo quản đúng cách và cần đun sôi lại thức ăn trước khi sử dụng.

  • Không để lẫn lộn thức ăn chín và thức ăn sống.

Nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm:

Các loại thực phẩm

Nhiệt độ

Thực phẩm thông thường

8 độ C

Sữa

4 độ C

Thịt, cá tươi

3 độ C

Kem lạnh

- 18 độ C

Thịt ướp đá

-20 độ C

Cá ướp đá

- 20 độ C

Thực phẩm bảo quản ấm.

60 độ C


  • Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh: Thức ăn vừa nấu chín phải để nguội mới cho vào tủ lạnh để ngăn riêng thức ăn sống và chín. Thực phẩm tươi sống như thủy sản, thịt gà, các loại phủ tạng động vật cần rửa sạch, loại phần thải bỏ. Tất cả thực phẩm để bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp kín.

Giáo án Tham khảo (Dành cho giáo viên)