Chuyên đề 02  
Bài giảng tham khảo (Slide trình chiếu)

Quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn trong cơ thể 



Mục tiêu bài học:

Sau bài học, học sinh có thể:

  • Chỉ trên hình vẽ và nói tên các bộ phận của tuyến tiêu hóa

  • Chỉ trên hình vẽ đ­ường đi của thức ăn trong ống tiêu hóa và mô tả các giai đoạn biến đổi của thức ăn trong ống tiêu hóa

  • Liên hệ với thực tế và ngay trên cơ thể của mình để rút ra kết luận quan trọng của hệ tiêu hóa đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của mỗi người

1. Hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào trong cơ thể

                     

Tại sao thức ăn lại nuôi sống được bạn? Đó là nhờ Hệ tiêu hóa, cơ quan nuôi dưỡng cơ thể con người. Hệ tiêu hóa bao gồm Ống tiêu hóa và các Tuyến tiêu hóa (xem hình vẽ).

  • Ống tiêu hóa: Khoang miệng (gồm miệng, răng, hầu, lưỡi); Thực quản; Dạ dày; Tá tràng, Ruột non; Ruột già; Trực tràng; Hậu môn. Thức ăn khi chúng ta ăn vào được Ống tiêu hóa hấp thu để tạo nên các chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.

    KHOANG MIỆNG- nơi tiếp nhận, cắt nhỏ, nhào trộn thức ăn với nước bọt, THỰC QUẢN, DẠ DÀY- nơi co bóp nhào trộn thức ăn thành dạng dưỡng chấp, TÁ TRÀNG, RUỘT NON- thủy phân và hấp thu chất dinh dưỡng, RUỘT GIÀ- hấp thu nước và chất điện giải, cuối cùng là TRỰC TRÀNG và HẬU MÔN. 

  • Tuyến tiêu hóa: Tham gia vào quá trình tiêu hóa còn có các Tuyến tiêu hóa (tiết ra các dịch và men tiêu hóa) như Tuyến nước bọt (nằm ở xung quanh khoang miệng); Tuyến mật (nằm ở Túi mật); Tuyến ruột (nằm ở thành ruột); Tuyến tụy (nằm ở Tụy). Các cơ quan như: Gan; Mật; Tụy… có các tế bào tuyến chịu trách nhiệm tổng hợp, sản xuất ra các dịch và men tiêu hóa.

Ống tiêu hóa; Tuyến tiêu hóa... tất cả tạo nên Hệ tiêu hóa của con người

2.  Chức năng và hoạt động của các cơ quan thuộc Hệ tiêu hóa

(2.1) Khoang miệng: Gồm vòm miệng, răng, lưỡi, hầu…, là nơi bắt đầu tiếp nhận thức ăn. Răng sẽ giúp cắn, xé, nhai; lưỡi giúp nhào trộn thức ăn, lưỡi có các gai vị giác để cảm nhận được vị của các loại thức ăn đưa vào. Thức ăn sau khi được nhai kỹ, nhào trộn sẽ được nuốt vào và với nhu động của thực quản, thức ăn sẽ đi xuống dạ dày.

(2.2).Tuyến nước bọt: tiết ra nước bọt để luôn làm ướt khoang miệng, có men tiêu hóa để hòa trộn với thức ăn, giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn.

(2.3). Thực quản: các cử động nhu động của thực quản đẩy thức ăn xuống dạ dày 

(2.4). Gan: Tế bào gan tiết ra dịch mật (được tích trữ trong túi mật) và các men tiêu hóa khác nhau; Gan tham gia vào quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, trao đổi chất và giải độc của cơ thể.

(2.5). Túi mật: chứa dịch mật. Dịch mật chính là dịch tiết ra từ gan, được tích trữ trong túi mật, dịch mật đi qua ống dẫn mật vào tá tràng để tiêu hóa thức ăn, mà đặc biệt là để tiêu hóa chất béo có trong thức ăn.

(2.6). Dạ dày: Dạ dày là phần phình lớn nhất của ống tiêu hóa, nằm trong khoang bụng, nơi chứa đựng và tiêu hóa thức ăn. Dạ dày là nơi chứa, nghiền nát, nhào trộn thức ăn với dịch vị. Dạ dày cũng hấp thu chất dinh dưỡng, tuy nhiên chức năng này là không đáng kể. Sau khi thức ăn được nghiền nát, nhào trộn và thấm dịch vị, chúng sẽ được đưa xuống ruột non để thực hiện công đoạn tiêu hóa và hấp thu cũng như đào thải.

(2.7). Tuyến tụy: Tiết ra dịch tụy, có các men tiêu hóa mỡ (chất béo, hay còn gọi là lipit); men tiêu hóa thịt (chất đạm, hay còn gọi là protein). 

(2.8). Ruột non: Ruột non là một phần của hệ tiêu hóa, nằm tiếp sau dạ dày và trước ruột già. Ruột non là nơi hoàn tất quá trình tiêu hóa thức ăn và nơi quan trọng có nhiệm vụ hấp thu chọn lọc các chất dinh dưỡng vào nuôi cơ thể.

(2.9). Ruột già: Sau ruột non là đến ruột già (ruột già còn được gọi là đại tràng). Trong ruột già có rất nhiều loại vi khuẩn có lợi, chúng tổng hợp ra một số dưỡng chất cần thiết khác cho cơ thể như vitamin B, B1, B6, K, axit folic, … Đây là một trong những chức năng quan trọng của ruột già. Thức ăn khi xuống tới ruột già thì đa số các thành phần dinh dưỡng đã được hấp thu gần hết, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của ruột già thì hệ tiêu hóa mới hấp thu đầy đủ hết các chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể. Nếu phân ở lại lâu trong ruột già thì sự hấp thu nước càng tăng lên. Vì vậy, nếu nhịn đi đại tiện sẽ là một thói quen xấu, dễ gây nên chứng táo bón.

(2.10). Trực tràng: Trực tràng là một phần ruột thẳng, nó nằm ở đoạn cuối ruột già, nằm ở phía trên hậu môn. Trực tràng của con người có chiều dài  từ 11cm đến 15cm. Trực tràng nhận các kích thích để tạo ra phản xạ tống phân ra ngoài.

(2.11).Hậu môn: nằm ở cuối cùng của ống tiêu hóa, là nơi cơ thể tống phân ra ngoài. Hậu môn kiểm soát việc tống phân ra ngoài theo ý muốn của con người.


Như vậy, thức ăn kể từ khi được đưa vào khoang miệng, trong quá trình di chuyển dọc theo ống tiêu hóa, sẽ từng bước được các bộ phận của ống tiêu hóa thực hiện chức năng chuyển hóa, hấp thu, biến thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, phần cặn bã còn lại bị tống ra ngoài. Nếu các em tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng hợp lý thì cơ thể chúng ta sẽ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, giúp cho chúng ta lớn lên khỏe mạnh và thông minh, làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội.